Thị trường hàng hóa
Trong những năm qua, thực hiện quan điểm và chủ trương của Đảng và Nhà nước công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng, quan tâm. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.
Trước thềm Hội nghị phát triển lao động phục vụ phục hồi phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững, Báo Công Thương ghi nhận ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về những xu hướng của thị trường lao động Việt Nam trong giai đoạn tới cũng như giải pháp đào tạo nhân lực tại các trường đại học.
Theo dữ liệu thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2010 tăng lên khoảng 65% năm 2020. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo còn thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, trong khi đó cạnh tranh quốc tế bằng lao động phổ thông, giá nhân công rẻ cho thấy không mang lại hiệu quả cao.
Sau đại dịch Covid-19, các lĩnh vực, ngành nghề đều phục hồi tăng trưởng ấn tượng, song cũng bộc lộ nỗi lo thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Đây cũng chính là trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của nước ta.
Đánh giá về công tác đào tạo nguồn nhân lực thời gian qua, PGS.TS Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - cho rằng: Nước ta đang rất thiếu công nhân có kỹ năng lao động cao, thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực, nhất là đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo đó, tập trung phát triển công nghiệp nền tảng, thúc đẩy tự động hóa, số hóa và thông minh hóa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số và các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển kinh tế nhanh, bền vững và bao trùm. Cùng với đó, nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, đặc biệt là tự chủ về công nghệ và sản xuất; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung vào thượng nguồn của các ngành công nghiệp ưu tiên, đặt biệt là các ngành điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may - da giầy, hóa chất, công nghệ số. Đồng thời, nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất công nghiệp. Ban hành các chính sách đột phá để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản…
Dự báo về xu hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sau đại dịch, PGS.TS Đàm Sao Mai - cho rằng: Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có triển vọng phát triển lớn do Việt Nam có cơ hội tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia.
Mặt khác, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ kéo dài, cùng với việc gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu trong các dự án lắp ráp, sản xuất của các tập đoàn này. Do đó, Việt Nam cần nâng cấp trình độ sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa phù hợp với yêu cầu. Đồng thời nâng cao trình độ tri thức, để có thể thực hiện đổi mới sáng tạo để không chỉ tham gia gia công mà còn sáng tạo ra các sản phẩm riêng của mình trong một số lĩnh vực công nghiệp chủ lực, như: Sản xuất linh kiện điện tử, chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, đồ uống, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, công nghiệp điện…
Theo PGS.TS Đàm Sao Mai, công nghệ thông tin được coi là một trong những ngành có quyền lực bậc nhất, từ sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế… Các hệ thống công nghệ thông minh là điều kiện để tối ưu hóa năng suất lao động, tiết giảm nhân lực lao động thủ công, chi phí sản xuất. Trong đó, phải kể đến các lĩnh vực như: Lập trình ứng dụng di động, phát triển và thiết kế website, an ninh mạng, bảo mật điện toán đám mây, tự động hóa, Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, thực tế ảo, big data.
Đặc biệt, cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng đã tạo ra một làn sóng mới tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống và trên mọi lĩnh vực. Trong đó, ngành viễn thông, một ngành kinh tế - kỹ thuật gắn liền với khoa học công nghệ, là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Theo đó, làn sóng phát triển năng lượng tái tạo đã tạo ra một số phát minh công nghệ trong các lĩnh vực, từ thiết kế máy móc đến kỹ thuật điện, từ chính sách đến phát triển nguồn nhân lực sao cho phù hợp với sự phát triển.
Về xu hướng phát triển các ngành dịch vụ, PGS.TS Đàm Sao Mai cho biết: Tỷ trọng các ngành dịch vụ của Việt Nam chiếm 41,5 - 42% vào năm 2020, tới năm 2025, tỷ trọng khu vực này sẽ chiếm khoảng 43-44% GDP của cả nước. Giáo dục đào tạo trực tuyến tăng nhanh đã góp phần giúp ngành dịch vụ thích ứng tốt hơn và phù hợp hơn với bối cảnh phát triển mới của thế giới.
Thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh, Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Cùng với đó, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ thay thế dần thương mại truyền thống và dần trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng, đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến…
Ngoài ra, còn có các ngành có xu thế phát triển trong khối ngành này, như kinh tế truyền thông, công nghiệp thể thao, công nghiệp phần mềm và trò chơi giải trí, hàng thủ công mỹ nghệ và đương đại, nghệ thuật biểu diễn kết hợp giữa nghệ thuật dân tộc và nghệ thuật đương đại, công nghiệp điện ảnh.
Giới chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng việc thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Do đó, cần có những chính sách trọng tâm, giải pháp “đột phá” để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm