Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của metric.vn công bố gần đây, thương mại điện tử Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 đang có đà phát triển vượt bậc. Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia.
Ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng - đời sống là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn thương mại điện tử lớn và quen thuộc với người Việt, gồm Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Khảo sát về hành vi người tiêu dùng cũng cho thấy, phân khúc giá 200.000 - 500.000 đồng dễ "chốt đơn" nhất trên tất cả các sàn thương mại điện tử. Những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại các cửa hàng, showroom uy tín.
Ông Nguyễn Tấn Vương - đại diện NielsenIQ Việt Nam, cho biết qua khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường này thì người tiêu dùng có xu hướng quan tâm sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Các sản phẩm ngành sữa, vệ sinh cá nhân, mẹ và bé sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trên thương mại điện tử.
Một số sự kiện mua sắm của Lazada trong quý I/2022, ghi nhận kết quả rất khả quan. Cụ thể, số lượng khách hàng, đơn hàng và nhà bán hàng trên toàn sàn trong hai ngày đầu tiên của lễ hội mua sắm dịp Tết 2022 tăng gấp 2 lần so với lễ hội mua sắm dịp Tết 2021. Doanh thu LazMall trong lễ hội mua sắm mừng sinh nhật vừa tổ chức hồi cuối tháng 3/2022 tăng gấp 18 lần so với ngày thường.
Một kết quả nghiên cứu hành vi khách hàng của Lazada công bố gần đây cũng cho thấy, người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người Việt được hỏi cho biết, ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành "Làm đẹp" có doanh thu nổi bật nhất tại 2 sàn là Shopee (gần 8.000 tỷ đồng) và Lazada (2.000 tỷ đồng). Mua sắm ở ngành "Làm đẹp" tại Tiki chưa được nhiều người tin dùng so với Lazada và Shopee.
Tiếp theo sau là ngành "Thời trang nữ" và "Nhà cửa và Đời sống" chiếm vị trí thứ 2 và 3 về doanh thu cách biệt khác lớn so với các ngành khác.
Ngành "Làm đẹp" có sự phát triển đáng kể trên nền tảng thương mại điện tử trong gần 2 năm qua. Tháng 8/2021, doanh thu ngành này đạt 876 tỷ đồng nhưng đến tháng 6 năm nay, con số tăng lên 1.783 tỷ đồng. Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2022, ngành làm đẹp có thể đạt được 2.118 tỷ đồng vào tháng 12 (cao hơn 17% so với tháng 12 năm ngoái).
Số lượng bán ngành "Nhà cửa và Đời sống" đang đứng đầu với gần 100 triệu sản phẩm nhưng chỉ đứng thứ 3 về tổng doanh thu (hơn 6.000 tỷ đồng). Ngành "Làm đẹp" có số lượng bán nhiều thứ 2 với gần 100 triệu sản phẩm.
Khoảng cách rõ rệt nhất giữa doanh thu và số lượng bán là ngành "Phụ kiện thời trang" bởi các sản phẩm giá rẻ, với số lượng bán hơn 40 triệu sản phẩm nhưng chỉ mang về hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu.
Xét về thương hiệu, 3 hãng smartphone là Apple, Samsung và Xiaomi có doanh thu cao nhất trong quý 2/2022 với lần lượt 997 tỷ, 608 tỷ, 315 tỷ đồng.
Giá bán sản phẩm của Apple, Samsung và Xiaomi đều rất cao nên doanh thu bán hàng của 3 hãng đứng đầu thị trường là điều dễ hiểu. Ngoài ra, điều này cũng phản ánh xu hướng mua smartphone, đồ công nghệ của người dùng Việt Nam qua kênh trực tuyến đang tăng trưởng mạnh.
Theo thống kê của Metric, Hà Nội đứng đầu trong top 10 tỉnh thành có doanh thu cao nhất (3.250 tỷ đồng) trên 4 sàn thương mại điện tử. Các tỉnh có doanh số thương mại điện tử cao tiếp theo là Nam Định, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương…
Đa phần người tiêu dùng chủ yếu tại 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM. Số lượng người bán lớn tại 2 thành phố này cũng phục vụ đáng kể việc vận chuyển hàng thuận tiện hơn tới người tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam, cho biết nhu cầu mua sắm online của người dẫn vẫn sẽ tăng trưởng, thậm chí mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn dịch bệnh đã được kiểm soát. Theo bà, những yếu tố để thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng và góp phần phục hồi kinh tế là thị trường còn nhiều dư địa phát triển tiềm năng.
"Các doanh nghiệp đang ngày càng coi trọng, đầu tư nhiều vào việc chuyển đổi số và kinh doanh trên thương mại điện tử. Ngoài ra, tầm nhìn phát triển bền vững của các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng hỗ trợ cho ngành", bà Trang nhấn mạnh.
Một công bố của Milieu Insight về hành vi của người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, có tới 85% người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát. 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết, họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%. Điều này càng khiến các nhà bán hàng và các sàn thương mại điện tử tin tưởng vào tương lai của kênh mua sắm này.
Ông Nguyễn Tấn Vương - đại diện NielsenIQ Việt Nam, cho biết kết quả nghiên cứu thị trường trên phạm vi toàn cầu cho thấy, tổng tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh chỉ khoảng 3,5% nhưng riêng tăng trưởng của ngành hàng này trên kênh thương mại điện tử trong quý lại tăng gấp 4-5 lần, với mức tăng trưởng lên đến 14,5% so với cùng kỳ.
Theo ông, kênh mua sắm qua thương mại điện tử tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với kênh bán lẻ siêu thị, đại siêu thị. Tại Việt Nam, đợt Tết vừa qua, hầu hết các ngành hàng tiêu dùng nhanh đều có thể cảm nhận rõ rệt khi sức mua, doanh thu phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
"Nhiều nhóm ngành hàng sẽ phát triển tốt trên kênh thương mại điện tử nhưng không phải ngành nào cũng bán tốt. Tỷ trọng đóng góp có thể chưa như kỳ vọng và bán hàng đa kênh sẽ là cứu cánh cho những ngành hàng chưa phù hợp", ông Vương nói thêm.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm