Thị trường hàng hóa
Một trong những tài năng làm nên tên tuổi của Steve Jobs chính là khả năng thuyết phục người khác. Trong cuộc đời của mình, dường như chưa bao giờ Steve Jobs thất bại khi phải thuyết phục một người nào đó tin vào lời của mình. Và có lẽ, chính thứ “vũ khí” đặc biệt này đã giúp Steve Jobs có thể mang đến thành công cho sự nghiệp của mình, cũng như cho đế chế Apple hùng mạnh.
Trong công việc hàng ngày, Steve Jobs luôn dành trọn tâm huyết và sự chân thành của mình để làm việc cùng các nhân viên cũng như đồng nghiệp. Nhiều nhân viên của ông kể lại, trong những lần tìm kiếm ý tưởng cho quảng cáo, Steve Jobs luôn đưa ra những lời thuyết phục một cách đầy mãnh liệt để đảm bảo rằng hầu hết mọi chiến dịch quảng cáo mà nhóm triển khai đều tràn đầy cảm xúc và sự đam mê như chính ông.
Một ví dụ khác, vào thời điểm trước khi Apple cho ra mắt iTunes vào năm 2001, Steve Jobs đã tìm đến rất nhiều nhạc sĩ hàng đầu để thuyết phục họ thu âm cộng tác với mình. Trong số những người mà Steve Jobs tìm đến có nhạc sĩ Wynton Marsalis. Sau này, Marsalis đã kể lại về buổi gặp gỡ của ông cùng Steve Jobs. Theo đó, nhạc sĩ này cho biết, Steve Jobs đã dành đến hơn 2 giờ liền để trò chuyện cùng với ông. Và quả thực, Steve Jobs đã thuyết phục được vị nhạc sĩ này bằng khả năng khéo léo của mình.
“Sau một hồi nói chuyện cởi mở, tôi bắt đầu nhìn Jobs dưới con mắt hoàn toàn khác, hoàn toàn không phải bởi những thành công mà Jobs có được, mà vì tôi cảm thấy mình như say mê với niềm đam mê của anh ấy”, Wynton Marsalis nhớ lại.
Tác giả Walter Isaacson, trong cuốn tiểu sử về cuộc đời của Steve Jobs, đã viết: "Jobs có thể dụ dỗ và quyến rũ mọi người theo cách mà ông ấy muốn. Những người như (cựu CEO của Apple) Amelio và Sculley đều cho rằng Steve Jobs luôn dành cho họ thiện chí cũng như tình cảm đặc biệt, điều đó có nghĩa là Jobs yêu thích và tôn trọng họ”.
Năm 1997, Steve Jobs trở lại Apple sau lần rời đi trước đó. Vừa trở lại đây, Steve Jobs đã lập tức bắt tay vào việc phục hồi “sinh lực” cho đứa con tinh thần đang có dấu hiệu đi xuống vì những sản phẩm không hiệu quả.
Lúc đó, Steve Jobs đã gọi các nhân viên đứng đầu công ty đến phòng họp. Mặc một chiếc quần ngắn, đi đôi giày thể thao, CEO Apple hỏi các nhân viên của mình rằng, họ nhìn thấy điều gì bất thường ở đây.
Câu hỏi của Steve Jobs đã khiến khán phòng bắt đầu xì xào. Song, không ai đưa ra được câu trả lời. Steve Jobs buộc phải lên tiếng: “Điều bất thường ở đây chính là sản phẩm của chúng ta. Chúng hoàn toàn không có sức hút. Không có bất cứ sự quyến rũ nào trong những cỗ máy tẻ nhạt đó”.
Sự thật mà Steve Jobs đưa ra có lẽ hơi tàn nhẫn, ít nhất là với các nhân viên – những người đã tạo ra các sản phẩm. Tuy nhiên, đó là thực tế.
Steve Jobs từng chia sẻ rằng: “Tôi không nghĩ mình đã đưa ra những lời nói thô bạo với mọi người. Nhưng nếu có gì đó thực sự tệ hại, tôi muốn các nhân viên của mình phải nhận ra được điều đó, theo cách chân thực nhất. Đó chính là công việc mà tôi - chứ không phải bất cứ ai khác tại Apple - phải làm! Tôi hoàn toàn ý thực rõ ràng về những gì mà mình nói ra, và tôi thường hiếm khi sai lầm với mỗi phát ngôn của mình. Tại Apple, chúng tôi học cách thành thật đến mức tàn nhẫn với nhau, và bất cứ ai cũng có thể đứng trước mặt và nói với tôi rằng “này Steve, tôi thấy ý tưởng kia của ông thật nhảm nhí”, và tất nhiên tôi cũng có quyền nói thẳng vào mặt họ điều tương tự”
Steve Jobs khẳng định, trung thực chính là sức mạnh, là lợi thế mang lại những điều tốt đẹp hơn. Và đó có lẽ cũng chính là điều giúp ông thành công hơn trong việc thuyết phục người khác của mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm