Thị trường hàng hóa
Trong năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng hóa để xuất khẩu đã chịu thiệt hại rất nặng, số lượng đơn hàng giảm đột ngột. Dù không muốn, nhưng nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động tạm, thời để “tránh” lỗ.
Theo ghi nhận, lao động thuộc các nhóm ngành như may mặc, túi xách, cơ khí và xây dựng là đối tượng dễ bị mất việc nhất. Bởi đây đều là những ngành nghề cần nhiều lao động, lại là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Do đó, trong bối cảnh đơn hàng bị giảm sút, họ là những đối tượng dễ bị “tổn thương” nhất.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, bà Nguyệt Ánh, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may tại Bình Dương chia sẻ: Số lượng đơn hàng đặt trước trong 6 tháng cuối năm 2023 chỉ bằng nửa so với năm ngoái và chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn trước dịch bệnh.
Trong khi đó, hiện doanh nghiệp này có khoảng 1.000 lao động, chủ yếu là công nhân dệt may với trình độ phổ thông, mức lương tối thiểu của một lao động may phổ thông ở doanh nghiệp này là khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
“Việc giảm một nửa đơn hàng buộc chúng tôi phải cắt giảm lao động. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cam kết với người lao động, khi đơn hàng tăng trở lại sẽ tuyển dụng lại họ. Đây là điều không ai mong muốn, nhưng buộc phải xảy ra”, bà Ánh nói.
Trong một nghiên cứu mới đây được công bố vào giữa tháng 6/2023, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã chỉ ra, trong tổng số gần 8.400 người tham gia khảo sát, thì có tới 31% đang trong tình trạng không có việc làm. Tỷ lệ này đã giảm so với giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19, thế nhưng vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Xét theo ngành kinh tế chính, các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất. Còn xét theo địa phương thì TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là những tỉnh/thành phố có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất.
Trong báo cáo tổng kết quý II và 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê (GSO) cũng cho biết, tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp đã diễn ra từ quý IV năm 2022 và vẫn tiếp diễn ở quý II năm 2023.
Cụ thể, trong quý II/2023, số lao động bị mất việc là 217.800 người, tập trung ở các ngành gặp khó về đơn hàng như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện.
Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may (16,8%), da giày (14,1%), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (14,8%), chế biến gỗ (6,1%); phần lớn ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương, TP HCM, Bắc Ninh.
Số lao động nghỉ giãn việc của doanh nghiệp trên cả nước trong quý II khoảng 241.500 người, giảm 52.500 người so với quý trước. Số lao động này đa số thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuộc lĩnh vực da giày, dệt may. Nếu xét theo địa phương, nhóm này tập trung ở một số tỉnh như Bắc Giang, Bình Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: Trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraine và tổng cầu thế giới suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2023 khoảng 1,07 triệu người, tăng 25,4 nghìn người so với quý trước và tăng 1,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2023 là 2,30%.
“So với quý trước, thất nghiệp quý II tăng cả về số lượng và tỷ lệ”, lãnh đạo của Tổng cục Thống kê nói.
GSO đánh giá, nhìn chung, tình hình lao động việc làm quý này cho thấy thị trường lao động đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, Tổng cục Thống kê có 3 đề xuất.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.
GSO cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử…
Lãnh đạo GSO đề nghị đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.
Dù vậy, thị trường lao động trong nước vẫn có một số tín hiệu tích cực. Đơn cử như việc lực lượng lao động đến tuổi lao động, lao động qua đào tạo, có chứng chỉ vẫn đang tiếp tục tăng.
Thu nhập bình quân của lao động quý II/2023 là 7,0 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2022, đời sống của người lao động được cải thiện hơn tuy nhiên mức độ tăng không cao so với tốc độ tăng của quý II năm 2022.
Đặc biệt, đối với nước đang phát triển như Việt Nam, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu dao động từ 3-4 triệu người và đạt mức cao kỷ lục là 5,2 triệu người vào quý III năm 2021 do giãn cách xã hội và diễn biến phức tạp của COVID-19, lao động rời bỏ thành thị để trở về nông thôn làm các công việc tự sản tự tiêu.
“Sau khi mở cửa kinh tế, nhóm lao động này dần dần rời bỏ công việc tự sản tự tiêu để tìm kiếm các công việc ổn định và có thu nhập tốt hơn làm tỷ lệ này giảm dần qua các quý. Đây cũng là xu thế tất yếu của kinh tế thị trường”, báo cáo của GSO nhận định.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm