Thị trường hàng hóa
Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê (GSO) đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9/2022 và quý III/2022.
GDP quý III tăng 2 con số
Theo GSO, GDP trong quý III/2022 đã tăng rất cao, lên tới 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm các ngành dịch vụ có tốc độ tăng rất mạnh, lên tới 18,86%.
Theo lãnh đạo của GSO, một trong nguyên nhân khiến GDP quý III/2022 tăng trưởng 2 con số, đó là quý III năm ngoái là thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát rất mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, sự tăng trưởng này dựa vào mức sàn thấp.
Bên cạnh đó, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả và tạo ra lực đẩy cho GDP.
Nếu tính chung cả 3 quý của năm 2022, GDP Việt Nam đã tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022.
Trong đó, ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2022 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, khai thác gỗ được đẩy mạnh; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9 tháng năm 2022 đạt 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011-2022.
Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước, ; ngành vận tải kho bãi tăng 14,2%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 41,7%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%,...
Xuất nhập khẩu, FDI cũng bứt tốc nhanh chóng
Cũng trong báo cáo của GSO, các chỉ số kinh tế như xuất nhập khẩu, FDI cũng có đà tăng trong thời gian qua.
Cụ thể, trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,5% so với quý II/2022. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với quý II/2022. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD, (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).
Về FDI, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2022 đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2022 có 80 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 347,4 triệu USD, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 50,9 triệu USD, giảm 87,9%.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 398,3 triệu USD, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm