Thị trường hàng hóa
Chỉ số US Dollar Index (DXY) thể hiện sức mạnh của đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác đã ghi nhận mức tăng 10,7% từ đầu năm và vượt mức đỉnh đầu năm 2020. Đồng Euro hiện đang mất giá so với USD khoảng 10% so với thời điểm đầu năm. Đã có thời điểm đồng Euro mất giá tới hơn 12% chủ yếu là do các chính sách kiềm chế lạm phát gần đây của FED làm đồng USD mạnh lên đáng kể.
Trong khi đó, đối với cặp USD/JPY (yên Nhật Bản), đồng USD đã mạnh hơn khoảng 15% so với đồng JPY. Nếu so sánh giá trị cao nhất so với giá trị thấp nhất của cặp tỷ giá này trong năm nay, thì con số này thậm chí còn trên 20%. Bên cạnh các yếu tố FED tăng lãi suất, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì chính sách tiền tệ kết hợp tài khóa nới lỏng cũng là nguyên nhân khiến đồng JPY mất giá tới hơn 45% so với đồng USD sau 10 năm áp dụng chính sách này.
Đối với VND, mặc dù đồng USD đã tăng khoảng trên 10%, nhưng đồng VND chỉ mất giá khoảng 2,5%-2,7% so với USD. So với 2 đồng tiền tệ quan trọng là EUR và JPY, cặp EUR/VND đã giảm 8% và cặp JPY/VND đã giảm 12% kể từ đầu năm.
Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), trong năm nay đồng VND sẽ không bị mất giá quá lớn so với đồng USD như các đồng tiền khác như EUR hay JPY do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhờ dự trữ ngoại hối dồi dào, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dễ dàng điều tiết tỷ giá VND.
Trước đó, dự trữ ngoại hối Việt Nam đã đạt đỉnh trong tháng 1/2022 với giá trị 110 tỷ USD, tương đương 16 tuần nhập khẩu cao hơn mức khuyến nghị của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là 12-14 tuần nhập khẩu. Do đó, NHNN có nhiều dư địa để giữ tỷ giá USD/VND duy trì ổn định.
Thứ hai là chính sách tỷ giá. Kể từ năm 2016 tới nay, Việt Nam đã chuyển sang chính sách tỷ giá trung tâm (neo giá theo các đồng tiền chủ chốt) thay vì neo theo USD. Việc áp dụng chính sách tỷ giá trung tâm điều chỉnh hàng ngày đã giúp tỷ giá giao dịch ổn định hơn và không bị phụ thuộc vào đồng tiền tệ nào.
Theo đánh giá của Agriseco Research, sự tăng lên của tỷ giá USD/VND và sự giảm giá của tỷ giá JPY/VND sẽ có ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp thanh toán bằng đồng USD do USD chiếm tới 90% trong giao dịch xuất nhập khẩu, tuy nhiên mức độ ít/nhiều phụ thuộc vào cơ cấu doanh thu cũng như nguồn vốn.
Trong khi đó, các giao dịch bằng đồng Euro tại Việt Nam lại chiếm tỷ trọng không quá lớn, do vậy việc tỷ giá EUR/VND giảm sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới các doanh nghiệp đang niêm yết. Agriseco Research đánh giá các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, hàng dệt may, giày dép, gỗ và thủy sản là các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với tổng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU lần lượt 36% và 26%. Một số doanh nghiệp hoạt động trong hai ngành này, có nền tảng cơ bản tốt và được hưởng lợi từ tỷ giá bao gồm: MSH, GIL, PTB, FMC, VHC, MPC.
Bên cạnh đó, khi tỷ giá USD/VND tăng, các doanh nghiệp khu công nghiệp có lợi thế về thu hút dòng vốn FDI, giá cho thuê được dựa trên cơ sở đồng USD cũng sẽ được hưởng lợi. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bình Dương, TP HCM và Bắc Ninh là 3 địa phương dẫn đầu về thu hút dòng vốn FDI 6 tháng đầu năm.
Các nhà phát triển khu công nghiệp đang có dự án khu công nghiệp triển khai cho thuê tại các địa phương này được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều khách hàng nước ngoài. Kết hợp với tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng sẽ hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận cho các công ty này.
Đồng thời, những doanh nghiệp đang vay nợ bằng đồng JPY nhiều cũng sẽ có chuyển biến tích cực. Do các doanh nghiệp sẽ giảm được bớt chi phí tài chính khi ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá và giúp lợi nhuận được cải thiện.
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu phần lớn từ Mỹ có thể gặp rủi ro trước diễn biến tỷ giá như hiện tại. Theo số liệu Tổng cục Hải Quan, trong 6 tháng đầu năm, các mặt hàng được Việt Nam nhập siêu nhiều nhất từ Mỹ bao gồm bông (0,7 tỷ USD); chất dẻo nguyên liệu (0,34 tỷ USD); hóa chất (0,28 tỷ USD); thức ăn chăn nuôi (0,25 tỷ USD) và dược phẩm (0,22 tỷ USD).
Đối với việc nhập khẩu từ các thị trường khác, mặc dù phần lớn các giao dịch xuất nhập khẩu hiện nay được thanh toán bằng USD. Tuy nhiên, khi USD tăng giá thì các đồng nội tệ bản địa cũng bị mất giá và bù trừ cho sự giảm giá của VND, khiến các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng lớn. Do vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: bông, nhựa, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm và hoá chất có thể bị tăng giá vốn trong trường hợp tỷ giá USD/VND tăng, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nội địa đang bị cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ châu Âu hoặc Nhật Bản cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các mặt hàng từ các khu vực này sẽ có giá vốn rẻ hơn (tính theo VND) và ảnh hưởng trực tiếp tới sức cầu tiêu thụ mặt hàng nội địa. Một số ngành có giá trị nhập siêu từ EU, Nhật Bản lớn bao gồm sắt thép và phế liệu, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, nhựa, hóa chất…
Tỷ giá biến động sẽ khiến các doanh nghiệp có tỷ trọng vay nợ USD cao trên tổng tài sản có thể gặp rủi ro. Việc huy động vốn vay USD với tỷ trọng lớn có thể khiến các doanh nghiệp chịu lỗ tỷ giá, theo đó làm tăng chi phí tài chính và làm lợi nhuận sau thuế giảm.
Agriseco Research khuyến cáo, nhà đầu tư nên lưu ý các doanh nghiệp có chi phí đầu tư tài sản cố định cao như điện than, năng lượng tái tạo, sản xuất thép; hoặc lĩnh vực vận tải như vận tải dầu khí, vận tải hàng không và đang được tài trợ vốn quốc tế thông qua vay nợ bằng USD.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm