Thị trường hàng hóa
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã khẳng định điều này tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 vừa diễn ra.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đến ngày 31/01/2023 đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (95,11%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân 13 tháng năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 100 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 23%.
Kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng; trong đó, số vốn chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (gồm 3.432 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 183,188 tỷ đồng vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia), vốn nước ngoài 1.025 tỷ đồng.
Căn cứ số vốn 707.044,198 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng (bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 363.763,156 tỷ đồng (vốn trong nước là 335.788,156 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 27.975 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương là 343.281,042 tỷ đồng), bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị.
Đến hết ngày 31/01/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 516.770,743 tỷ đồng, đạt 73,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 297.724,542 tỷ đồng, đạt 81,8%; vốn ngân sách địa phương là 219.046,2 tỷ đồng, đạt 63,8%.
Số vốn NSNN còn lại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 190.273,455 tỷ đồng (26,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao); bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 66.038,613 tỷ đồng (31/51 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch), vốn cân đối ngân sách địa phương là 124.234,842 tỷ đồng (28/63 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch).
Ước thanh toán đến ngày 31/01/2023 là 12.819,57 tỷ đồng, đạt 1,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 2,5%), toàn bộ là vốn trong nước (đạt 1,89% kế hoạch vốn trong nước). Trong tháng 1/2023, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Để giải ngân hết 700 nghìn tỷ đồng: Cần triển khai những giải pháp đồng bộ ngay từ đầu năm
Thứ trưởng cho biết, trong báo cáo cuối năm 2022, cũng như trong báo cáo tháng 1/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tiếp tục nghiên cứu và báo cáo, tham mưu với Chính phủ dự báo năm 2023 là một năm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến rất khó lường và phức tạp. Trong bối cảnh như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/2023, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là văn bản dự kiến các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, ngoại giao...
Trong Nghị quyết này cũng nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân đầu tư công.
"Hiện nay, chúng ta mới trải qua 1 tháng triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự toán ngân sách. Bước đầu, chúng ta tập trung vào công tác chuẩn bị, giao kế hoạch, giao chỉ tiêu, giao dự toán, cùng các công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án để sẵn sàng tăng tốc phấn đấu thúc đẩy tất cả các mặt sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công... ở mức độ tốt nhất có thể", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cho biết, trong tháng đầu năm, công tác điều hành của Chính phủ và Thủ tướng đã thể hiện ngay được phương châm mà Nghị quyết số 01/2023 đã đề ra. Đó là tính quyết liệt, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ.
"Như chúng ta đã biết, trong những ngày đầu năm mới, Thủ tướng đã đi thị sát và chỉ đạo tiến độ các dự án lớn như đường cao tốc, sân bay lớn của đất nước. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/2023 để yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương bắt tay vào việc ngay lập tức, triển khai ngay các mục tiêu và giải pháp năm 2023 từ những ngày đầu của năm mới", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dẫn chứng.
Khẳng định năm 2022, giải ngân đầu tư công xấp xỉ đạt 93% "là con số hết sức tích cực", Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là thành quả của sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng, của các bộ, ngành và các địa phương, của cả xã hội.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, năm 2023, sức ép của những khó khăn trước mắt rất nhiều. Năm nay, số vốn cần giải ngân là 700 nghìn tỷ đồng. Vì thế, công tác chỉ đạo điều hành, giám sát, triển khai thực hiện cần phải đồng bộ để giải ngân được hết số vốn này.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, hiện Thủ tướng đã có Chỉ thị số 03/2023 và Chính phủ có Nghị quyết số 01/2023 đã có các giải pháp. Bản thân các bộ, ngành và địa phương cũng đã có chương trình hành động của mình, trong đó nội dung đầu tư công là nội dung lớn để tập trung thực hiện.
"Trong công tác chuẩn bị dự án, năm 2023, việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án sẽ giảm bớt sức ép hơn so với năm 2022. Đây là điều kiện tốt để chúng ta bước vào thi công giải ngân ngay trong những tháng đầu năm", Thứ trưởng nêu quan điểm.
Để công tác giải ngân đạt được hiệu quả, Thứ trưởng cho rằng, vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương phải được tăng cường. Đặc biệt cần quan tâm đến công tác giám sát.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng lắng nghe các kiến nghị của các bộ, ngành và địa phương liên quan đến các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, để cùng tháo gỡ ngay từ những tháng đầu năm với mong muốn công tác này đạt kết quả cao./.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm