Thị trường hàng hóa
Được kỳ vọng là người tái tạo công ty
Tập đoàn Starbucks mới đây đã thông báo bổ nhiệm Laxman Narasimhan, 55 tuổi, làm giám đốc điều hành tiếp theo của mình. Narasimhan được kỳ vọng sẽ là người thực hiện việc "tái tạo" chuỗi cà phê lớn nhất thế giới.
Ông Narasimhan trước đó là Giám đốc điều hành của Reckitt, công ty chuyên sản xuất bao cao su Durex, sữa bột trẻ em Enfamil và siro cảm lạnh Mucinex.
Theo thông báo từ Starbucks, Laxman Narasimhan sẽ gia nhập tập đoàn này vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, phải đến tháng 4/2023, Laxman Narasimhan mới chính thức lên nắm quyền điều hành.
Thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023 chính là để Laxman Narasimhan tìm hiểu về công ty và kế hoạch "tái tạo" của nó. Trong đó đặc biệt là việc trả lương tốt hơn cho nhân viên pha chế, cải thiện phúc lợi của nhân viên và trải nghiệm của khách hàng. Starbucks cũng cho biết ông Narasimhan sẽ dành thời gian của mình với Howard Schultz và đội ngũ quản lý, gặp gỡ nhân viên và thăm các nhà máy sản xuất và trang trại cà phê trong giai đoạn chuyển đổi.
Cho đến lúc Laxman Narasimhan chính thức nắm quyền, Giám đốc điều hành tạm thời là ông Howard Schultz sẽ tiếp tục lãnh đạo công ty. Nói về người kế nhiệm của mình trong bức thư chào mừng, ông Howard Schultz cho biết: “Narasimhan là một nhà lãnh đạo chiến lược và chuyển đổi với kinh nghiệm sâu sắc trong việc xây dựng các thương hiệu tiêu dùng mạnh mẽ”.
Starbucks phải đối mặt với một thời kỳ đầy biến động. Hơn 200 cửa hàng ở Mỹ của tập đoàn này đã hợp nhất trong năm qua. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, lại thêm việc phải đối diện với những làn sóng yêu cầu quyền lợi từ người lao động, Starbucks thực sự đã khá khó khăn.
Kế hoạch của Starbucks là thiết lập lại mô hình kinh doanh của mình. Để đối mặt với chi phí nguyên liệu và nhân công cao hơn, Starbucks đang tập trung đẩy mạnh việc nhận và giao hàng lưu động, thay vì tập trung vào các quán cà phê đón khách ngồi lâu.
Laxman Narasimhan được kỳ vọng sẽ thực hiện được những điều này. Việc lựa chọn Laxman Narasimhan vào ghế CEO của Starbucks dù ông không có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành chuỗi cửa hàng cà phê, hẳn cũng có lý do.
Tài năng đáng mong đợi
Ông Narasimhan từng làm việc tại PepsiCo với tư cách là giám đốc thương mại toàn cầu. Ông gia nhập Reckitt vào tháng 9 năm 2019 và dẫn dắt công ty này vượt qua đại dịch. Khi đảm nhiệm vị trí CEO tại Reckitt, Narasimhan đã nhận được sự khen ngợi từ các nhà đầu tư Reckitt cho phong cách quản lý của mình khi giúp hồi sinh công ty sau khi doanh số sụt giảm.
Ngay sau khi trở thành Giám đốc điều hành Reckitt vào năm 2019, ông đã ủy quyền xem xét chiến lược, hứa hẹn sẽ chi 2 tỷ bảng Anh (2,3 tỷ USD) trong vòng 3 năm để "trẻ hóa" công ty.
Ngay từ đầu trong kế hoạch, Reckitt đã thu lợi nhuận để tài trợ cho các khoản đầu tư mới và tập trung lại vào các thương hiệu vệ sinh, sức khỏe và dinh dưỡng. Cách tiếp cận đó cuối cùng đã trở nên phổ biến với các cổ đông. Doanh số bán các sản phẩm vệ sinh và sức khỏe của công ty đã tăng vượt trội dưới sự điều hành của Narasimhan.
Nhà phân tích Andrew Charles của Cowen viết: “Trong khi chúng tôi ngạc nhiên khi Starbucks chọn một người kế nhiệm bên ngoài lĩnh vực tùy ý, chúng tôi lạc quan rằng quan điểm toàn cầu của ông Narasimhan với tư cách là Giám đốc điều hành của một tập đoàn đa quốc gia công và nền tảng về đồ uống tại PepsiCo sẽ phục vụ Starbucks tốt trong thời gian tới”.
Với những gì mà Laxman Narasimhan đã làm được cho công ty cũ của mình, ông được nhiều người tin tưởng về những gì sẽ làm được cho Starbucks trong tương lai. Dù không có nhiều kinh nghiệm điều hành cửa hàng cà phê, nhưng CEO tương lai này có thể sẽ mang lại cái nhìn sâu sắc về thói quen thay đổi của người tiêu dùng khi ông tiếp quản Starbucks.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm