Thị trường hàng hóa
Chính phủ đã ban hành Quyết định 1684/2015/QĐ-TTg ngày 30/9/2015 về việc phê duyệt chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, trong đó Việt Nam thể hiện quyết tâm hội nhập, mở cửa và tuân thủ các cam kết quốc tế. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân và xuất khẩu.
Thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs), Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh. Quá trình hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước, thay đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu nông sản, tập trung vào các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và năng lực cạnh tranh quốc tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng góp phần cải thiện cán cân thương mại. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,70 tỷ USD năm 2021 và đạt 53,22 tỷ USD trong năm 2022. Việt Nam đã có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD (gồm gỗ và sản phẩm lâm sản đạt 17 tỷ USD; tôm 4,3 tỷ USD; cà phê 4 tỷ USD; gạo 3,5 tỷ USD; cao su 3,3 tỷ USD; rau quả 3,3 tỷ USD; hạt điều 3,1 tỷ USD).
Sản phẩm xuất khẩu ngày càng đa dạng, được chú trọng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng chế biến và tăng giá trị. Sản phẩm sơ chế, chế biến chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; trong đó xuất khẩu hồ tiêu và hạt điều đứng thứ nhất, sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ hai, gạo đứng thứ ba và cà phê đứng thứ năm thế giới.
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây như: gạo với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2022 là 5,66%, cao nhất là gỗ và các sản phẩm từ gỗ với tốc độ tăng bình quân là 15,88%, sau đó đến thủy sản tăng 5,59%, cà phê tăng 4,62%, chỉ có rau quả và hạt điều có xu hướng giảm nhẹ với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2022 là (-0,81)% và (-2,64)%.
Tuy kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng lên qua các năm nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng giảm. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng chung của xuất khẩu. Tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2017-2022 đạt 9,87% thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2017-2022.
Hiện nay, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đáp ứng ngày càng tốt hơn tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường, ngay cả những thị trường nhập khẩu yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm và kiểm dịch cũng được áp dụng để đáp ứng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới và tạo sự bứt phá đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức mới trong thời gian tới.
Để Việt Nam phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh sẵn có, cần phải tập trung nguồn lực để phát triển xuất khẩu nông sản chủ lực, nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Cần đa dạng hoá thị trường và sản phẩm xuất khẩu, đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, đây là giải pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài.
Đồng thời, nỗ lực tối đa để phát triển thị trường gần trong khối ASEAN, tận dụng lợi thế về chi phí và thời gian vận chuyển để có giá thành phù hợp, gia tăng thị phần. Đối với các thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc… lại cần cách tiếp cận bài bản, phân khúc sản phẩm cao cấp, nhấn mạnh vào chất lượng, an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến và câu chuyện thương hiệu.
Hoạt động hỗ trợ xuất khẩu cần kịp thời và đi vào thực chất. Tiếp tục làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và thông tin có tính dự báo về những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản Việt Nam.
Cần tăng cường, đổi mới công tác xúc tiến xuất khẩu, có kế hoạch thực hiện gắn với chuỗi giá trị từ phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hình ảnh, uy tín.... đến phát triển thị trường. Có chiến lược truyền thông phù hợp với từng đối tượng, thị trường mục tiêu, nâng cao giá trị bền vững cho sản phẩm của địa phương.
Tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp bảo quản, chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, thu hút sự tham gia của các chủ thể vào chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh góp phần đưa nông sản Việt Nam đi được xa hơn và bền vững hơn.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm