Thị trường hàng hóa
Giá lúa gạo nội địa đồng loạt giảm
Theo báo cáo của Tổ chức FAO, chỉ số giá lương thực thế giới (FFPI) tháng 5/2022 đạt trung bình 157,4 điểm, giảm 0,9 điểm (0,6%) so với tháng 4/2022. Mặc dù, giá lương thực thế giới vẫn tăng 29,2 điểm (22,8%) so với tháng 5/2021, tuy nhiên con số này đánh dấu mức giảm tháng thứ hai liên tiếp. Trong đó, chỉ số giá dầu thực vật, sữa và đường giảm, chỉ số giá ngũ cốc và thịt tăng.
Cụ thể, giá lúa mì thế giới tăng tháng thứ tư liên tiếp, tháng 5/2022 tăng 5,6% so với tháng 4/2022 và tăng 56,2% so với tháng 5/2021 và chỉ thấp hơn so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 3/2008 là 11%. Chỉ số giá ngũ cốc tháng 5/2022 đạt trung bình 173,4 điểm, tăng 3,7 điểm (2,25%) so với tháng 4/2022; chỉ số giá dầu thực vật thế giới trong tháng 5/2022 đạt trung bình 229,3 điểm, giảm 8,3 điểm (3,5%) so với tháng 4/2022. Bên cạnh đó, chỉ số giá thịt thế giới trong tháng 5/2022 đạt trung bình 122 điểm, tăng 0,6 điểm (0,5%) so với tháng 4/2022, tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Song, ngược lại so với thị trường lương thực thế giới, trong tuần đầu tháng 6 giá mặt hàng lúa gạo nội địa đồng loạt giảm mạnh. Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho thấy, giá lúa gạo giảm từ 18 - 58 đồng/kg tùy loại ở tất cả sản phẩm, riêng mặt hàng cám gạo tăng 21 đồng/kg và đạt mức giá cao nhất 8.800 đồng/kg. Tuy nhiên, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn giữ mức giá 423 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, 403 USD/tấn với gạo 25% tấm và 378 USD/tấn đối với loại gạo 100% tấm. Gạo cùng phẩm cấp đó của Thái Lan đang giao dịch cao hơn gạo Việt ở mức giá lần lượt là 443, 434 và 420 USD/tấn. Về nguồn cung, theo Thương vụ VN tại Campuchia, trong 4 tháng đầu năm 2022, Campuchia xuất khẩu khoảng 1,9 triệu tấn lúa gạo các loại thu về 516 triệu USD. Trong số này, Campuchia xuất khẩu hơn 1,6 triệu tấn qua biên giới Việt Nam và thu về 376 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của nông sản Việt như cà phê, hồ tiêu…liên tục rớt giá dù chi phí đầu vào tăng và sản lượng có xu hướng giảm. Theo ước tính Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 5/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 150 nghìn tấn, trị giá 343 triệu USD, giảm 4,7% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với tháng 4/2022. Tương tự, tháng 4 và tháng 5/2022 mặt hàng hồ tiêu đều xuất khẩu số lượng 25 nghìn tấn, nhưng tháng 5/2022 trị giá hồ tiêu chỉ đạt 113 triệu USD. Mặt hàng hạt điều của VN cũng có nguy cơ mất ngôi vương ở nhiều thị trường như Pháp, Trung Quốc.
Nhiều thị trường không còn "dễ tính"
Về lý do khiến nông sản xuất khẩu rớt giá, một số doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo lớn cho rằng, các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, mới đây Ấn Độ chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu lương thực, trong đó có các sản phẩm gạo nên một phần các nước Châu Phi đã chuyển sang nhập khẩu gạo Ấn Độ do ưu thế hơn về giá.
Tiếp theo, dù khẳng định Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với nông sản Việt Nam, tuy nhiên từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus cho rằng nông sản Việt Nam nói chung hiện đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo đại diện Tập đoàn Tentamus, để đẩy mức giá và tìm kiếm thị trường mới cho nông sản Việt, các doanh nghiệp xuất khẩu nên làm tốt công tác định hướng thị trường, tập trung nghiên cứu yêu cầu chất lượng của thị trường tiềm năng Châu Âu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải chú trọng chất lượng, từng bước nâng tầm thương hiệu nông sản Việt Nam tại các thị trường nước bạn.
Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam ách tắc tại cửa khẩu hay bị từ chối tại các thị trường như Trung Quốc, Châu Âu…do chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau khi Trung Quốc đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với cùng với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN, phía Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn mới về hàng hoá và được đánh giá là không còn “dễ tính" như trước.
Trước bối cảnh giá nông sản giảm mạnh nhưng giá xăng dầu, vật tư, phân bón…có xu hướng tăng, Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương đã duy trì chính sách giao thiệp với Trung Quốc để thống nhất với nhau về cách thông quan hàng hoá. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT thúc đẩy hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản. Song song với việc tìm kiếm thị trường, các cơ quan quản lý sẽ tập trung hướng dẫn địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đẩy mạnh phát triển vùng trồng, vùng nuôi.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm