Thị trường hàng hóa
Như Congluan.vn đã thông tin, từ 15h chiều 21/9, liên bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.
Cơ quan điều hành quyết định giá xăng E5RON92 giảm 450 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 631 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.644 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.977 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S giảm 383 đồng/kg.
Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa đối với xăng E5RON92 không cao hơn 21.781 đồng/lít, xăng RON95-III không cao hơn 22.584 đồng/lít, dầu diezen 0.05S không cao hơn 22.536 đồng/lít, dầu hỏa không cao hơn 22.441 đồng/lít.
Như vậy giá xăng dầu trong nước đã có lần giảm thứ 3 liên tiếp. Tính đến nay, riêng mặt hàng xăng trải qua 25 lần điều chỉnh giá với 13 lần tăng và 11 lần giảm, 1 lần giữ nguyên.
Hiện giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 21.500 - 22.500 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm giữa tháng 10/2021.
Sau khi xăng dầu liên tiếp giảm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng đã tiến hành điều chỉnh giá cước đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Nhưng vẫn còn đó nhiều lo âu vì lượng khách chưa phục hồi hoàn toàn và những thiệt hại lớn về tài chính mà dịch bệnh COVID-19 để lại.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, hiện hầu hết các hãng taxi trên địa bàn Hà Nội đều đã giảm giá cước, trung bình còn 14.500 đồng/km.
Mức giá cước này được Hiệp hội và các doanh nghiệp taxi trên địa bàn thống nhất giảm từ tháng 8/2022 nhằm đón ngưỡng giá xăng khoảng 22.000 đồng/lít.
Đến nay, giá xăng vẫn neo gần 23.000 đồng/lít, khi nào giảm xuống dưới 22.000 đồng/lít, Hiệp hội sẽ tiếp tục họp để thống nhất giảm tiếp giá cước để mang đến sự công bằng cho khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh với các hãng xe công nghệ.
Về phía Công ty CP Xe khách Hà Nội, từ cuối tháng 8 khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, đơn vị cũng đã triển khai thực hiện giảm giá cước trên hàng loạt tuyến buýt kế cận và xe khách liên tỉnh.
Nhiều đơn vị xe khách liên tỉnh tuyến cố định cũng đã tiến hành điều chỉnh giảm giá cước vận tải. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, thách thức và một số đơn vị vẫn nghe ngóng tình hình.
Trao đổi với PV, một nhà xe khai thác tuyến vận tải Hà Nội - Thanh Hóa cho biết, giá xăng dầu liên tục hạ nhiệt giúp các nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải “dễ thở hơn”.
Thời điểm đơn vị kê khai giá cước là vào khoảng thời gian giá xăng dầu tương đương hiện tại nên hiện chưa thực hiện giảm giá cước. Nếu xăng dầu tiếp tục bình ổn và đi theo xu hướng giảm, chắc chắn nhà xe sẽ tính toán để điều chỉnh.
Mặt khác, khi giá xăng dầu tăng mạnh, nhà xe không tăng giá cước vì mỗi lần điều chỉnh phải trải qua rất nhiều thủ tục phức tạp và sẽ khó cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, giá cước vận tải hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường.
Đối với vận tải taxi, vận tải khách tuyến cố định và xe buýt, Nhà nước yêu cầu phải kê khai giá. Các doanh nghiệp vận tải thuộc các loại hình này tự kê khai và đăng ký giá với Nhà nước.
Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết, đầu năm 2022, giá nhiên liệu liên tục tăng cao đã có tác động ảnh hưởng đến chi phí vận tải và giá dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải.
Sau khi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành thực hiện những giải pháp để điều hành giảm giá nhiên liệu nhằm bình ổn giá trên thị trường, giá nhiên liệu trong nước đã có nhiều điều chỉnh giảm đã tác động đến giá cước vận tải.
Với lĩnh vực đường bộ, khoảng 63,98% các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi sau khi kê khai tăng giá đã giảm hoặc đã thực hiện kê khai giảm giá (từ 800 đến 1.000 đ/km) tương đương từ 4,5% đến 12%.
Bên cạnh đó khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm khoảng 5,26% - 14,7%.
Các loại hình vận tải du lịch, hợp đồng giảm theo thỏa thuận khi ký kết hợp đồng vận chuyển giá tăng giảm theo từng thời điểm.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm