Thị trường hàng hóa
Các thỏa thuận cung cấp trang phục thi đấu có ý nghĩa to lớn đối với các thương hiệu trong nỗ lực giành lấy thị trường hàng hóa thể thao toàn cầu trị giá 30 tỷ USD. Trong số 32 đội tham dự World Cup 2022, Nike có nhiều đội tuyển quốc gia đại diện nhất khi có tới 13 đội mặc đồ thi đấu của hãng. Các quốc gia mặc trang phục của Nike tại giải đấu năm nay bao gồm nước chủ nhà Qatar cùng các ứng cử viên cho chức vô địch như Brazil, Anh và Pháp.
Đối lập với lợi thế của Nike, Adidas sụt giảm 5 đội tuyển so với kỳ World Cup trước đó. Colombia, Ai Cập, Nga và Thụy Điển từng diện áo đấu của hãng thể thao Đức 4 năm trước. Tuy nhiên, các quốc gia này không tham gia giải đấu năm nay. Trong khi đó, Morocco đã chuyển sang hợp tác với Puma vào năm 2019.
Sau Nike và Adidas là Puma với 6 đội mặc trang phục của hãng. 6 quốc gia khác được đại diện bởi các thương hiệu quần áo thể thao khác nhau.
Trong nhiều thập kỷ, Adidas là cái tên chính trên các bộ quần áo thi đấu tại các kỳ World Cup. Công ty đã tài trợ trang phục cho 9 trong số 16 đội tại Giải vô địch bóng đá thế giới 1974 tại Đức và tiếp tục thống trị cho đến gần đây. Ở thời kỳ đỉnh cao, Adidas từng cung cấp đồ thi đấu cho gần 2/3 số đội tham dự World Cup 1990 tại Ý.
Trong khi đó, đối thủ của Adidas là Nike trở thành nhà tài trợ trang phục thi đấu bóng đá tương đối muộn. Thương hiệu này lần đầu tiên xuất hiện trên sân cỏ World Cup vào năm 1998 khi cung cấp quần áo cho 5 đội bóng thi đấu tại Pháp. Kể từ đó, thị phần của Nike tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh không ngừng tăng lên.
Tuy nhiên, Stefan Pursche, phát ngôn viên của Adidas trước thềm World Cup tại Qatar cho biết: “Vấn đề không chỉ là số lượng mà còn cả chất lượng. Chúng tôi cung cấp trang phục cho 4 đội mạnh nhất cho danh hiệu vô địch - Argentina, Tây Ban Nha, Bỉ và Đức”. Theo bảng xếp hạng của FiFa, 6 trong số 7 quốc gia thi đấu trong trang phục của Adidas lọt top 20 đội bóng hàng đầu thế giới.
Nike cũng tài trợ cho các đội có thứ hạng cao nhất với 7 quốc gia mang trang phục cũng nằm trong top 20 đội bóng hàng đầu. Tuy nhiên, hãng còn tài trợ cho Qatar và Ả Rập Xê Út – hai trong số các quốc gia ít được ưu ái nhất World Cup 2022. Tuy nhiên, Nike có một lợi thế lớn khi tài trợ cho Brazil - đội tuyển từng giành được nhiều danh hiệu nhất và được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giành chiến thắng một lần nữa trong năm nay.
Điều quan trọng nhất với các nhãn hàng là đội bóng nào sẽ tiến vào chung kết. Khi một đội vô địch World Cup, khách hàng sẽ muốn mua áo thi đấu của họ. Làn sóng bán hàng sẽ xuất hiện ở trận bán kết và còn mạnh mẽ hơn sau trận chung kết. Năm 2018, Nike thắng lớn nhờ việc đội tuyển Pháp vô địch, Croatia đạt Á quân. Tại kỳ World Cup đó, Adidas là nhà tài trợ chính thức nhưng Nike lại là thương hiệu cung cấp trang phục cho cả hai đội tuyển vào đến trận chung kết. Không chỉ áo, giày bóng đá cũng là mặt hàng được tiếp thị mạnh mẽ trong dịp World Cup. Do đó, danh hiệu vua phá lưới cũng được các hãng quan tâm.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm