Thị trường hàng hóa
Tại họp báo thường kỳ Quý III/2024 Bộ Công Thương, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung đã thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Cần nhập khẩu thép cuộn cán nóng để bổ sung cho nhu cầu của thị trường trong nước
Theo ông Trung, hiện nay, ngành sản xuất thép cuộn cán nóng cả nước có 2 doanh nghiệp với tổng công suất thiết kế đạt 8,2 triệu tấn/năm. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, có một phần được xuất khẩu sang các thị trường khác, tỉ lệ là 50%:50%.
Nhu cầu thép cuộn cán nóng tại Việt Nam hiện nay khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Vì vậy, nhập khẩu vẫn là nguồn bổ sung cho nhu cầu của thị trường trong nước tại thời điểm hiện tại.
Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.
Theo quy trình điều tra, dựa trên các thông tin và dữ liệu các bên liên quan cung cấp, Cục Phòng vệ thương mại đang tiến hành đánh giá và xác định hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài cũng như tác động của nhập khẩu đến ngành sản xuất trong nước, bao gồm những diễn biến về gia tăng nhập khẩu trong thời gian gần đây.
Ông Trung cũng cho biết thêm, Cục đã tiến hành gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan. Đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, vừa kết thúc thời hạn trả lời vào ngày 16/10 vừa qua; còn đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài vừa kết thúc vào ngày 22/10. Cục Phòng vệ thương mại hiện đang tiếp nhận và tổng hợp các thông tin, dữ liệu do các bên liên quan cung cấp.
Thống kê sơ bộ cho thấy, Cục đã nhận về hơn 20 bản trả lời của các doanh nghiệp liên quan. Đây là một lượng dữ liệu tương đối khổng lồ trong quy trình điều tra, thậm chí có doanh nghiệp gửi về lượng dữ liệu lên đến 500 MB.
"Những thông tin này sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan điều tra xác định liệu ngành sản xuất trong nước có thiệt hại hay không và nguyên nhân của thiệt hại (nếu có) đến từ đâu. Trong trường hợp có đủ bằng chứng để sơ bộ xác định ngành sản xuất trong nước chịu thiệt hại đáng kể từ hàng nhập khẩu bị bán phá giá, Cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại) sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước." - Ông Trung nhấn mạnh
Làm rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc nhập khẩu có sự tăng vọt, kim ngạch có dấu hiệu giảm, tức là giá có dấu hiệu giảm, do vậy cần nghiên cứu, đánh giá tác động đến ngành sản xuất trong nước từ đó điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Bộ Công Thương phải cân nhắc về tổng nhu cầu, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thì phải nhập khẩu, nhưng nhập khẩu ồ ạt, gây tổn hại sản xuất trong nước và ngăn cản sản xuất trong nước thì phải có công cụ bảo vệ. Biện pháp Bộ Công Thương áp dụng là chống bán phá giá và kết hợp với các biện pháp khác để điều tiết xuất nhập khẩu và đảm bảo lợi ích hài hoà của các bên.
“Trong trường hợp kết quả cho thấy có hội tụ đầy đủ các yếu tố gây thiệt hại đến ngành sản xuất thép cán nóng trong nước, Bộ Công Thương sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời, thông qua chính sách thuế nhập khẩu tạm thời”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.
Sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 12,3 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 8,97 tỷ USD, tăng mạnh 31,7% về lượng và tăng 19% kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2023. Giá nhập khẩu trung bình đạt 729,5 USD/tấn, giảm 9,7% so với cùng kỳ.
Riêng tháng 9/2024, nhập khẩu gần 1,55 triệu tấn sắt thép, tương đương trên 1,06 triệu USD, tăng 15,4% về lượng, tăng 4,3% về kim ngạch so với tháng 8/2024.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất trong tháng 9 đến từ Trung Quốc, với 8,31 triệu tấn, tương đương gần 5,36 tỷ USD, giá 644,5 USD/tấn , tăng 50,6% về lượng, tăng 37,8% kim ngạch nhưng giảm 8,5% về giá so với 9 tháng đầu năm 2023. Thị trường này chiếm 67,6% trong tổng lượng và chiếm 59,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm phần lớn chủ yếu do giá bán từ thị trường này thấp hơn các thị trường khác từ 30-70 USD tùy từng loại sản phẩm. Điều này xuất phát từ thực tế, Trung Quốc vẫn đang "thừa thép", tiêu thụ nội địa giảm buộc các nhà sản xuất thép nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá thấp để giải phóng bớt hàng tồn kho.
Dự báo trong năm nay, xuất khẩu thép của Trung Quốc có thể đạt 100 triệu tấn, mức cao nhất trong 8 năm qua. Tuy nhiên, với việc xuất khẩu thép dư thừa đang gia tăng, nguy cơ đối mặt với các cuộc điều tra thương mại quốc tế cũng ngày càng lớn.
Hiện nay, các nước trong khu vực có như Thái Lan và Indonesia đã áp dụng biện pháp phòng vệ với thép cán nóng Trung Quốc. Lượng sản xuất của Thái Lan và Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 65% nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, từ 2019 hai quốc gia này đã có thuế chống bán phá giá bên cạnh thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đang duy trì.
Theo Hiệp hội Thép thế giới (WSA), giá thép thế giới trong năm 2024 dự kiến tăng nhẹ 3,5% so với năm 2023 trong bối cảnh nhu cầu hồi phục và nguồn cung thắt chặt. Trong khi đó, ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo giá quặng sắt trong năm 2024 ở mức 108 USD/tấn, giảm 2,8% so với năm 2023.
Trong khi đó, Chứng khoán MB dự báo giá thép tại Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại từ quý 4/2024, giúp đưa giá thép xây dựng trung bình trong cả năm nay về quanh ngưỡng 571 USD/tấn, tăng 4% so với năm 2023.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm