Thị trường hàng hóa
Để vực dậy kinh tế chợ, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết đang phối hợp cùng một số tổ chức, đơn vị và các quận, huyện trên địa bàn thực hiện các giải pháp thiết thực cho các tiểu thương. Một trong các giải pháp đó là tiếp tục đẩy mạnh mô hình chợ trực tuyến. Cụ thể, phối hợp với Tập đoàn FPT triển khai ứng dụng "Chợ trực tuyến" Utop. Theo Sở Công Thương, từ tháng 9/2021 đến nay, sở đã triển khai ứng dụng này cho 24 chợ. Tiểu thương đăng ký bán trực tuyến 23 ngành hàng và thực hiện thành công 8.500 đơn hàng với doanh thu 2,5 tỷ đồng.
Song song với hoạt động hỗ trợ tiểu thương làm quen với môi trường kinh doanh trực tuyến, ngành công thương thành phố còn phối hợp một số đơn vị tổ chức các chương trình tập huấn cho tiểu thương kỹ năng kinh doanh và chăm sóc khách hàng, phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh triển khai các nội dung liên quan hoạt động thương mại như hỗ trợ vay vốn, kết nối tiểu thương chợ truyền thống với nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng tại các tỉnh, thành...
Theo đại diện của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, việc gia tăng các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong quản lý và phục vụ hoạt động của chợ truyền thống là một trong các yêu cầu cấp thiết để hỗ trợ nâng cao khả năng thích ứng của hệ thống chợ trong tình hình mới.
Hiện thực hóa cho hoạt động này, mới đây Sở Công Thương đã phối hợp với Mondelez Kinh Đô tổ chức “Hội nghị tập huấn thương nhân 2022” với chủ đề “Bí quyết bán hàng hiệu quả” cho gần 100 thương nhân chợ Bình Tây (quận 6) và chợ Bến Thành (quận 1).
“Ở góc độ Sở Công Thương chúng tôi hy vọng chương trình tập huấn cùng với những chuyên đề sát thực sẽ góp phần nâng cao được năng lực cạnh tranh của chợ truyền thống trên địa bàn thành phố và giới thiệu thêm được nhiều cơ hội mới cho hoạt động kinh doanh của thương nhân chợ sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”- đại diện của Sở Công Thương chia sẻ.
Được biết, tại chương trình tập huấn, các thương nhân được nghe báo cáo mới nhất về xu hướng thị trường, nhu cầu và tiêu dùng do Kantar - một đơn vị hàng đầu về nghiên cứu thị trường. Theo Kantar, sau đại dịch Covid-19, nhận thức và hành vi tiêu dùng của khách hàng đã có sự thay đổi lớn, theo đó khách hàng có xu hướng tiếp cận dịch vụ thông qua các phương tiện truyền thông số như mạng xã hội nhiều hơn trước. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cách thức phục vụ của người bán hàng; không nằm ngoài cuộc, thương nhân các chợ truyền thống cũng cần nhanh chóng thích nghi và tận dụng nhiều hình thức bán hàng để làm phong phú, đa dạng phương thức kinh doanh, bắt kịp với xu thế chung của thị trường và góp phần hiện đại hóa các hoạt động thương mại.
Cũng tại hội nghị, đại diện công ty Mondelez Kinh Đô đã chia sẻ kinh nghiệm về việc bán hàng sử dụng công nghệ mạng xã hội để thu hút khách hàng; cách thức trưng bày gian hàng tại các chợ để thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm. Đồng thời, tại hội nghị, các thương nhân được tham gia vào các hoạt động tương tác cũng như thực hành và thảo luận với các diễn giả.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm