Thị trường hàng hóa
Tại diễn đàn "Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững" ngày 19/8, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số quốc gia đã được thúc đẩy mạnh mẽ, được Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ban ngành thúc đẩy mạnh mẽ.
Cùng với Nghị định 80 của Chính phủ, Quyết định số 411 về chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 3/2022 đã khẳng định một cách rõ ràng hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho các DN trong việc chuyển đổi số, phục hồi sau đại dịch mạnh mẽ hơn.
Nhà bác học Darwin từng nói: “Khi khủng hoảng xảy ra, không phải loài mạnh nhất hay thông minh nhất mà loài phản ứng nhanh nhất với thay đổi mới có thể sống sót”.
Vì thế, sau đại dịch COVID-19 và để vượt qua khủng hoảng này, không phải chỉ những DN lớn và những DN nhanh nhạy, tận dụng cơ hội để sử dụng công nghệ số, dữ liệu số, thích ứng với hoàn cảnh mới, với trạng thái bình thường mới có thể sống sót vượt qua đại dịch và phát triển.
Các số liệu cho thấy, có 69% doanh nghiệp khu vực châu Á Thái Bình Dương đang đẩy nhanh chuyển đổi số để đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, con số này ở Việt Nam là 47%. Do đó, chuyển đổi số là một nhu cầu cấp thiết đối với nước ta.
Để chuyển đổi số, trước hết, doanh nghiệp cần tư duy lại hướng kinh doanh, cạnh tranh, đánh giá lại chuỗi giá trị, đồng thời kết nối lại với khách hàng, tăng trải nghiệm khách hàng và cấu trúc lại doanh nghiệp.
Từ thực tế hoạt động của DN, ông Nguyễn Vũ Anh - Tổng giám đốc công ty TNHH Cốc Cốc cho biết: Lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn vào hành vi của người tiêu dùng, bởi sau đại dịch COVID-19 xảy ra, người dùng đã chuyển từ offline qua online. Đây là cơ hội cũng như là thách thức với các doanh nghiệp khi người dùng có những thay đổi lớn về hành vi người dùng và họ sẽ rất quan tâm về giá của sản phẩm. Họ có xu hướng mua online rất nhiều nhưng ngược lại cùng xu hướng trực tuyến này thì có tới 66% người dùng tìm kiếm về giá và so sánh rất kỹ.
"Trong bức tranh như vậy các doanh nghiệp có thể tận dụng chuyển đổi số như thế nào để có thể tăng năng lực cạnh tranh? Điều đầu tiên là DN cần truyền thông online, tăng hoạt động marketing online để có thể hiểu sâu hành vi người dùng online", ông Nguyễn Vũ Anh khuyến nghị.
Về sử dụng các nền tảng chuyển đổi số, ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc tư vấn FPT Digital cho rằng, tận dụng các nền tảng chuyển đổi số là điều mà các DN đang quan tâm trong bối cảnh hành vi tiêu dùng thay đổi trong tiến trình chuyển đổi số hiện nay.
Bất cập lớn nhất trong chuyển đổi số là trong việc chuyển giao tới các cấp trong bộ máy. Đồng hành cùng các DN trong việc tránh "bẫy" chuyển đổi số, FPT đã đưa ra các phương pháp luận, phù hợp với văn hoá Việt Nam nhằm hỗ trợ tốt nhất cho DN chuyển đổi số hiệu quả.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Trọng Đường bày tỏ mong muốn các nền tảng số và đơn vị tư vấn chủ động phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông tham gia thực hiện chuyển đổi số, hỗ trợ đánh giá mức độ chuyển đổi số cho các DN, có cán bộ đăng ký tham gia mạng lưới tư vấn chuyển đổi số DN.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm