Thị trường hàng hóa
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu gỗ trong tháng 11/2023 đạt 1,22 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng trước. Tính chung trong 11 tháng/2023, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 12,12 tỷ USD, giảm mạnh 17,5% (tương ứng giảm 2,58 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 6,56 tỷ USD, giảm mạnh 17,8% (tương ứng giảm 1,42 tỷ USD) và chiếm 54% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Số liệu xuất khẩu gỗ trong tháng 9 vừa qua đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, đạt 616,9 triệu USD; tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính lũy kế cả 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ vẫn giảm mạnh 24,2% so với cùng kỳ 2022, đạt 5,2 tỉ USD. Tốc độ giảm hiện có dấu hiệu chững lại khi nhu cầu nhập khẩu của thị trường này tăng dần.
FED ngừng tăng lãi suất trong 3 kỳ điều chỉnh liên tiếp, phát đi dấu hiệu có thể sẽ giảm lãi suất trong năm 2024. Việc ngừng tăng lãi suất để thúc đẩy tăng tưởng có thể sẽ tạo ra tác động dây chuyền, lan tỏa buộc Ngân hàng Trung ương các nước sẽ đồng thuận giảm lãi suất. Đây là tín hiệu tích cực, giúp lấy lại đà tăng trưởng của các quốc gia, và sẽ gián tiếp tác động đến xuất khẩu của ngành gỗ của Việt Nam vào các thị trường này, trong đó có Hoa Kỳ.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, tỷ lệ hàng tồn kho tại Hoa Kỳ dự báo đến cuối năm 2023 sẽ giảm dần. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ vào Hoa Kỳ trong năm 2024.
Các chuyên gia cũng nhận định, phân khúc thị trường các sản phẩm tủ bếp, đồ nội thất… tuy không tăng cao nhưng vẫn duy trì được đơn hàng tương đối ổn định dù chưa bằng mức trước đại dịch và vẫn cần có thêm thời gian để phục hồi.
Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu những mặt hàng ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ… của Hoa Kỳ từ Việt Nam khá lớn. Đây đều là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Điều này cho thấy, các sản phẩm nội thất của Việt Nam đã và đang đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ và còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu.
Sau đại dịch, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhất là về giá cả. Về mặt tiêu chuẩn xuất khẩu, yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, hướng đến chuỗi cung ứng sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ngày càng chặt chẽ.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhập xu hướng mới của thị trường, các tiêu chuẩn và quy định mới của Hoa Kỳ về các mặt hàng gỗ nội ngoại thất, đồng thời chú trọng hơn về tìm hiểu tình hình tài chính của đối tác, lựa chọn khâu thanh toán an toàn có thể duy trì đà tăng trưởng bền vững vào thị trường này trong thời gian tới.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm