Thị trường hàng hóa
Tuy nhiên, doanh nghiệp gỗ xuất khẩu cần vượt qua những yêu cầu về xuất xứ nguồn nguyên liệu, khi Anh là một nước luôn gương cao ngọn cờ về chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.
Trước khi Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu, Anh cũng là thị trường lớn, quan trọng đối với sản phẩm gỗ Việt Nam. Sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất sang thị trường Anh chiếm 30-40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên của EU. Với việc Anh không còn là thành viên của EU nữa, các doanh nghiệp gỗ không khỏi có chút hoang mang, lo lắng.
Tại Tọa đàm “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội UKVFTA”, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: “Lúc đó, chúng tôi cũng có những băn khoăn lo lắng, nhưng rất may Hiệp định UKVFTA bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2021, cho nên năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang Anh đạt trên 256 triệu đô la, tăng trên 18% so với năm trước đó. Và có một điều quan trọng là sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Anh có đến 92% là đồ mộc, đồ nội thất có giá trị. Kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với sản phẩm gỗ được làm vật liệu trung gian cho các giai đoạn chế biến tiếp theo trong ngành công nghiệp gỗ”.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, doanh nghiệp gỗ có nhiều lợi thế khi UKVFTA thực thi, đó là theo thỏa thuận, nhóm sản phẩm nội thất, tinh chế gỗ sau khi xuất khẩu vào Anh chịu mức thuế từ 1,2-2% sẽ được giảm dần trong những năm tới. Nhóm sản phẩm gỗ vật liệu trung gian có mức thuế từ 2-10% cũng sẽ giảm trong những năm tới.
“Nếu không có các FTA, không có cú hích về thuế qua các hiệp định thương mại thì chúng ta rất khó tiếp cận thị trường Anh. Bởi Anh là thị trường mà người Châu Âu đặt chân lên trước, sau đó là người Trung Quốc (sản phẩm gỗ từ Trung Quốc chiếm trên 40% và Châu Âu là 1,4 tỷ đô la). Tuy nhiên, khi có UKVFTA, các doanh nghiệp dường như đã tận dụng được một phần cơ hội, trong năm đầu tiên như vậy là rất đáng khích lệ”, ông Ngô Sĩ Hoài nói.
Ông cũng cho rằng, sau hiệu ứng của các FTA, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đã có chỗ đứng, trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ của thế giới. Ngành công nghiệp gỗ cũng phản chiếu được rõ nét những thách thức đặt ra để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại.
Các sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện nay đang chiếm 7,2% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ của Anh. Đây không phải là con số nhiều nhưng cũng là con số lạc quan đối với doanh nghiệp gỗ xuất khẩu. Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, để nâng các con số tăng trưởng, Việt Nam cần hiểu rõ những thách thức mà thị trường này mang lại.
Ông Ngô Sĩ Hoài: Chính phủ đã hỗ trợ rất tốt các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ. Trong thời gian tới, Chính phủ cần cân nhắc cơ hội để ký một hiệp định đối tác tự nguyện nhằm tăng cường năng lực quản trị rừng tuân thủ pháp luật và thương mại gỗ. Chúng ta đã ký hiệp định này với EU, nhưng đối với Anh lại không còn hiệu lực. Chúng tôi muốn Chính phủ xem xét xúc tiến ký hiệp định này với Anh, tạo điều kiền cho các lô hàng xuất khẩu vào Anh không còn phải băn khoăn nhiều về yêu cầu môi trường và bảo vệ rừng để các doanh nghiệp yên tâm tập trung sản xuất.
Anh là thị trường bao gồm những khách hàng cuối cùng rất khó tính. Họ chi tiêu rất cẩn thận, dè dặt chứ không như một số thị trường khác. Anh cũng là quốc gia có ngành công nghiệp gỗ lâu đời. Từ Anh, ngành công nghiệp gỗ đã dịch chuyển sang một số nước lớn như Mỹ, Đức, Nhật, sau đó mới đến các con rồng châu Á, rồi đến Việt Nam.
Anh cũng đặt ra những yêu cầu rất nghiêm khắc đối với môi trường mà sản phẩm gỗ thì liên quan đến rừng - một yếu tố rất quan trọng đối với môi trường sống. Và Anh kể cả khi còn là thành viên của EU, luôn luôn giương cao ngọn cờ về chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, và làm thế nào để giảm phát thải hiệu ứng nhà kính.
Cho nên, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu tới Anh phải đặc biệt chú ý tới tính hợp pháp của nguồn gỗ, tính minh bạch và thận trọng để gỗ đưa vào chuỗi cung ứng, khi đưa vào sản phẩm xuất khẩu sanh Anh cần được khai thác hợp pháp.
“Dĩ nhiên cũng có những vấn đề như như chúng ta chưa tận dụng tốt nền tảng kỹ thuật số để đưa sản phẩm đến với khách hàng Anh. Bên cạnh đó, chúng ta là người đến sau, sản xuất gia công sản phẩm theo các mẫu mã mà các nhà cung cấp khác đã mang đến Anh, nên nếu chúng ta chủ động với những mẫu mã và thiết kế mới, chúng ta sẽ được hưởng phần lớn hơn trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào Anh”, ông Ngô Sỹ Hoài lưu ý.
Ông Ngô Sĩ Hoài cũng cho rằng, nhìn chung có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp gỗ Việt Nam, nhưng ông vẫn nhìn nhận Anh sẽ tạo nên được hiệu ứng lan tỏa nếu Việt Nam duy trì được tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này. Việt Nam sẽ tạo dựng được uy tín, sự quan tâm của thị trường EU, nếu thị trường Anh khẳng định sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể cạnh tranh và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng Anh.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp không có cách gì khác là cần phải chuyển đổi nhanh. Lâu nay ngành gỗ đang phát triển theo chiều rộng, tốn nhiều nhân công, quy mô lớn để cho ra sản phẩm. Trong những năm tới, doanh nghiệp cần tạo ra bước ngoặt lớn đi vào chế biến và xuất khẩu các nhóm sản phẩm có giá trị tăng cao hơn, sử dụng ít nhân công, nguyên liệu đầu vào hơn.
Đặc biệt các doanh nghiệp cần chú ý đầu tư cho quản trị, sử dụng phần mềm kế toán hiện đại, đảm bảo tính minh bạch đầu vào - đầu ra. Hiện nay khi Việt Nam tăng tốc xuất khẩu, cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn các vụ kiện như kiện chống bán phá giá, kiện xuất xứ, tính hợp pháp của nguyên liệu đầu vào,… Nếu có hệ thống quản trị tốt, doanh nghiệp sẽ có năng lực phòng bị tốt hơn.
Ở góc độ hiệp hội, ông Ngô Sĩ Hoài cũng cho biết, Hiệp hội đang tận dụng tối đa cơ hội quảng bá thương hiệu sản phẩm đến khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn ở tầm quốc gia. Trong thời gian tới, Hiệp hội mong muốn có thể tổ chức các hội chợ thương mại mang tầm quốc tế để tiếp cận nhiều hơn với đối tác nước ngoài.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm