Thị trường hàng hóa
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp trong tháng 7 đạt 333,8 triệu USD, tăng 1,7% so với tháng trước đó, tính chung 7 tháng đầu năm đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng gần 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về hàng hóa xuất khẩu, hiện dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Pháp trong 7 tháng đầu năm, đạt 390,1 triệu USD, tăng 28,1%, chiếm 14,8%. Tiếp đến là giày dép, đạt 375 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 330 triệu USD. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu sang Pháp có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, đó là: Đồ chơi dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 71,6%; hàng thủy sản 35,4%; sản phẩm gốm sứ tăng 36,3%.
Cho đến nay, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, song thực tế chưa tương xứng với tiềm năng. Tới đây, cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Pháp là rất lớn nhờ cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp.
Mặc dù vậy, Thương vụ Việt Nam tại Pháp lưu ý, dẫu còn nhiều dư địa để khai thác, thâm nhập thị trường Pháp nhưng doanh nghiệp sẽ đối diện không ít khó khăn, do giống như những quốc gia khác thuộc khu vực châu Âu, yêu cầu đòi hỏi của thị trường này cũng rất cao. Vì thế, để tăng cơ hội xuất khẩu, tiếp cận thị trường Pháp, các nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất cần tiếp tục nỗ lực trong việc duy trì chất lượng; nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các nhà máy bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm.
Ngoài ra, có thể tận dụng các doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu để trở thành cầu nối cùng với doanh nghiệp trong nước tận dụng những cơ hội mới từ Hiệp định EVFTA. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mời chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm và công nhân lành nghề (thợ cả) của Pháp đến Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn. Từ đó, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa thông qua họ tìm hiểu thông tin vào thị trường, quảng bá các sản phẩm Việt Nam tại Pháp.
Đặc biệt, khuyến nghị từ Thương vụ Việt Nam tại Pháp, đó là cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của các doanh nghiệp vào các hội chợ/triển lãm chuyên nghiệp tại Pháp. Bởi, tham gia các hội chợ sẽ mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích ngắn và dài hạn như: Có được kiến thức và sự hiểu biết về thị hiếu tiêu dùng và tính cạnh tranh của thị trường sở tại đối với những sản phẩm tương tự; nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng với sản phẩm và mang lại trải nghiệm ban đầu cho người tiêu dùng về một sản phẩm mới; doanh nghiệp có thể trực tiếp bán sản phẩm, thu hồi vốn bỏ ra hoặc thậm chí phát sinh lợi nhuận sau chuyến đi giới thiệu sản phẩm/tìm hiểu thị trường.
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, hiện doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chưa chuyên nghiệp, phần lớn không có kế hoạch phát triển thị trường mà chỉ thuần túy tìm người mua từ nước ngoài. Do vậy, thay vì tốn nguồn lực để hỗ trợ những doanh nghiệp chưa sẵn sàng này, cần có cơ chế phù hợp hơn để định hướng doanh nghiệp và phân bổ các nguồn lực hỗ trợ khác nhau sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong khai thác, tiếp cận thị trường.
Hiệp định EVFTA tiếp tục được kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh. |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm