Thị trường hàng hóa
Cụ thể, hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 61,51 tỷ USD (bình quân hơn 12,3 tỷ USD/tháng), chiếm 23,58% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Trong đó, xuất khẩu đạt 20,32 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 41,19 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 32,8% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng khởi sắc, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch cho mặt hàng sầu riêng. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến trong tháng 5, qua đó đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm lên hơn nửa tỷ USD. Trong đó, riêng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt kim ngạch 477 triệu USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc thu về 1,286 tỷ USD, tăng 80,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 572,3 triệu USD. Thị trường Trung Quốc chiếm đến 63,47% kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước trong 5 tháng đầu năm.
Mặt hàng nông sản khác là gạo cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Trung Quốc. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 632.469 tấn, tổng kim ngạch đạt hơn 364 triệu USD, tăng gần 63% về lượng và tăng gần 79,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao hơn lượng nên có thể trị giá xuất khẩu bình quân của mặt hàng gạo sang thị trường Trung Quốc cũng tăng đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng kể trên, xuất khẩu hàng hóa nói chung sang Trung Quốc chưa có sự hồi phục như kỳ vọng sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023 do những khó khăn chung về tình hình thị trường. Trong thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khôi phục và phát triển bền vững, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.
Nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc...
Tăng cường tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương hai nước phối hợp tổ chức nhằm tăng cường kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của dịch bệnh.
Sắp tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô tại thị trường Trung Quốc, trong đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ có một số hoạt động hướng tới cả thị trường truyền thống (cụ thể là Quảng Tây) và thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc (Sơn Đông, Hà Bắc). Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm