Thị trường hàng hóa
Tại “Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam - Australia lần thứ ba”, sáng 17/4, Bộ trương Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hội nghị diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Úc (1973 - 2023).
Trong chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền Úc David Hurley vào tháng 4/2023, hai bên đã nhất trí trao đổi về việc nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời gian phù hợp.
Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Úc tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, liên tục trong nhiều năm qua. Với việc nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 3/2018, Việt Nam và Úc là đổi tác kinh tế quan trọng hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo...
Về hợp tác phát triển (ODA), Úc là một trong các nhà tài trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại lớn cho Việt Nam. Theo thông báo của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2023, nước này tăng thêm 18% vốn ODA dành cho Việt Nam từ 78,9 triệu AUD lên 92,8 triệu AUD.
Nguồn vốn này tập trung vào các lĩnh vực: Đổi mới sáng tạo; hỗ trợ sự phát triển và sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động có tay nghề cao; tăng cường việc trao quyền kinh tế cho nữ giới, bao gồm đồng bào dân tộc thiểu số; ứng phó với đại dịch COVID-19.
Về đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến tháng 3/2023, các nhà đầu tư Úc có 593 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,99 tỷ USD, chiếm 0,4% tổng vốn FDI đăng ký và đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Về thương mại, đến hết năm 2022, quy mô thương mại giữa hai nước đã đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021, là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Úc đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Úc tập trung vào một số mặt hàng như máy móc, thiết bị, giày dép, dệt may, thủy sản, sắt thép ...
Ở chiều ngược lại, Úc là thị trường cung cấp nguyên nhiên vật liệu quan trọng, phục vụ sản xuất trong nước như than các loại, bông các loại, quặng và khoáng sản khác, lúa mỳ.
Về giáo dục đào tạo, theo thống kê của Bộ Giáo dục Úc, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 5 trong số các quốc gia có sinh viên du học tại quốc gia này. Tính đến tháng 12/2022 có hơn 22.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục của Úc.
Trao đổi tại hội nghị, đại diện các bộ ngành hai nước Việt Nam và Úc đã đề xuất các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế song phương; đánh giá việc thực hiện Chiến lược Tăng cường kết nối kinh tế Việt Nam - Úc; đưa ra giải pháp thúc đẩy môi trường kinh doanh và trao đổi về hợp tác chung trong các diễn đàn đa phương và khu vực.
Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Úc Don Farrell bày tỏ niềm vui khi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Thủ tướng Úc Anthony Albaneseđã cùng thông báo nâng cấp quan hệ 2 nước lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11/2022.
“Úc cam kết làm sâu sắc thêm sự tham gia vào khu vực Đông Nam Á và lắng nghe nhu cầu của các nước đối tác trong khu vực”, ông Don Farrell nói.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm