Thị trường hàng hóa
Điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 đối mặt với rất nhiều thử thách
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận, bối cảnh kinh tế toàn cầu thời gian tới tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam có độ mở cửa lớn, những biến động kinh tế thế giới tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước là không tránh khỏi.
“Điều hành CSTT trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải theo sát diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phân tích, dự báo để phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn các công cụ phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh…”, ông Tú nói.
Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn với lãi suất thấp hơn
Về định hướng điều hành năm 2023, theo ông Tú, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời, nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có những biện pháp phù hợp. Đồng thời, sẵn sàng đón nhận những tác động đột xuất từ nền kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn nội tại trong nước bất ngờ tới như năm 2022, để có chính sách linh hoạt, phù hợp trong vấn đề xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất, lượng tiền cung ứng nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Phó Thống đốc cho rằng, chính sách của các nước lớn, đặc biệt là của Mỹ trong vấn đề tăng lãi suất và thực hiện CSTT thắt chặt đến mức độ nào hoặc nới lỏng bớt đi bao nhiêu… đều được NHNN nghiên cứu và đánh giá. Việc điều hành lãi suất và tỷ giá của NHNN trong năm 2023 này trước hết là tính toán từ những con số, thông số đó để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay.
Về điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ cố gắng duy trì sự ổn định, đảm bảo hài hòa cho chính sách xuất khẩu cũng như nhập khẩu, đặc biệt là tạo điều kiện tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài về Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng đồng ngoại tệ, đảm bảo nguồn lực mà Chính phủ, các doanh nghiệp đang vay ở nước ngoài, hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp khi tỷ giá có những biến động, hạn chế tâm lý kỳ vọng của thị trường.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nếu như trong thời gian tới điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, thì chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn. |
“NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế…”, ông Tú khẳng định.
Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023 vừa ban hành ngày 17/01/2023 nêu rõ, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: Bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Trong năm 2023, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của Ngành tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, chú trọng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng được theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Việc cấp tín dụng sẽ được xem xét ưu tiên theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ, đáp ứng điều kiện theo quy định…/.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm