Thị trường hàng hóa
Kết thúc quý 3/2024, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã cổ phiếu VGT - sàn UPCoM) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.588 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá vốn hàng bán có mức tăng trưởng thấp hơn, giúp lợi nhuận gộp của Tập đoàn này tăng tới 24%, đạt 510 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính của Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong quý 3/2024 giảm tới 69%, còn 63 tỷ đồng, giúp bù đắp việc chi phí bán hàng tăng 19% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, Tập đoàn Dệt may Việt Nam báo lãi ròng 230 tỷ đồng, tăng 186% so với quý 3/2024. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ hơn 129 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cao nhất từ quý 3/2022 tới nay.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Dệt may Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.542 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 100% lên 407 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong bối cảnh thị trường chung phục hồi, ngành May có sự cải thiện cả về giá và số lượng đơn hàng do tận dụng được sự dịch chuyển từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar. Ngành sợi thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, song các đơn vị sợi thuộc tập đoàn luôn bám sát thị trường, nhiều thời điểm chốt được giá bông, sợi tốt.
Trước đó, tại một sự kiện diễn ra đầu tháng 10, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, ước tính tổng cầu dệt may của thế giới năm 2024 vẫn giảm khoảng 3-5% so với năm 2023.
Xem thêm: "Đại gia bán lẻ Decathlon đưa Dệt may TNG vào TOP 3 nhà cung cấp trên thế giới" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
“Nhìn chung, trong 9 tháng qua, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và không bền vững. Điểm khác biệt duy nhất của năm 2024 so với năm 2023 đó là, sau mỗi quý thị trường chuyển biến thuận lợi hơn. Hiện khó khăn lớn nhất, phổ biến nhất của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là sự thiếu hụt lao động”, ông Lê Tiến Trường nói.
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh, tác động bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanma đã và đang tạo thuận lợi ngắn hạn cho ngành dệt may Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục hành động quyết liệt, nâng cao năng lực sản xuất, thực hành tiết kiệm để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành được ổn định, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu vốn vẫn đang phải đối mặt với tình hình khó khăn trong suốt 30 tháng trở lại đây.
Năm nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đặt kế hoạch doanh thu ở mức 17.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 550 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn này đã hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm