Thị trường hàng hóa
Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%). Như vậy, từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế hàng tháng đang có xu hướng giảm dần, cho thấy sức mua đang yếu dần.
Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 11,8%; Hải Phòng và Cần Thơ cùng tăng 9,5%; Bình Dương tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,2%; Hà Nội tăng 6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,8%; Đà Nẵng tăng 3,1%.
Tính riêng trong tháng 8 vừa qua, mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng ổn định mặc dù nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối tháng 7 âm lịch. Còn lại mặt hàng như: Thịt lợn, xăng dầu, đường, gạo... có xu hướng biến động lớn.
Cụ thể giá lợn hơi tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào, một số địa phương xuất hiện trở lại dịch tả lợn châu Phi nên người chăn nuôi có xu hướng bán chạy dịch, đồng thời nhu cầu giảm do nhiều người có thói quen ăn chay trong tháng Bảy Âm lịch.
Cũng trong tháng 8, một số mặt hàng chịu tác động của thị trường thế giới có xu hướng tăng giá, hiện neo ở mức cao như: xăng dầu, LPG, gạo, đường. Hiện giá bán buôn đường kính trắng trong nước neo ở mức cao, giá gạo trong nước tăng mạnh, nhất là gạo nguyên liệu cho xuất khẩu (giá thóc, gạo tẻ thường ước tăng khoảng 500-1.500 đ/kg, tùy loại và địa phương). Một số mặt hàng liên quan như phân bón như SA, Kali ghi nhận có tăng nhẹ (các loại khác giữ ổn định). Trong tháng cũng ghi nhận một số mặt hàng có xu hướng giảm giá như: thép xây dựng, thức ăn hỗn hợp cho lợn…
Nhìn chung tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.
Bộ Công Thương cho hay, từ nay cho đến cuối năm, Bộ sẽ có chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho tết Nguyên đán 2024. Các doanh nghiệp kỳ vọng với nhiều chính sách kịp thời của Chính phủ như giảm thuế giá trị gia tăng, tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7 sức mua của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm