Thị trường hàng hóa
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, 3 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp, nông thôn đối mặt với hai khó khăn lớn. Thứ nhất, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao hơn so với năm trước. Thứ hai, thị trường xuất khẩu biến động, nhu cầu dùng nhiều loại nông sản, thủy sản, lâm sản trên thế giới giảm.
Về kết quả của ngành 3 tháng đầu năm, ông Việt cho hay tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của khu vực nông lâm thủy sản ước đạt 2,52% so với cùng kỳ 2022. Trong đó: nông nghiệp tăng 2,43%; lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,5% tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung. Trong đó, đến nay đã thu hoạch đạt 1.355,4 nghìn ha lúa, tăng 5,9%, năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. "Lúa gạo vừa được mùa vừa được giá. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong quý 1 năm 2023 lên tới 519 USD/tấn, cao nhất trong một thập kỷ qua. Giá cao nhờ yếu tố thị trường nhưng sâu xa là Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ sang làm lúa chất lượng", ông Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.
Đối với ngành chăn nuôi, dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt nhưng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá trị sản xuất chăn nuôi quý 1/2023 tăng khoảng 4,69%, chiếm 35,2% tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung; với sản lượng thịt hơi các loại chính đạt trên 1,9 triệu tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước. Đối với ngành lâm nghiệp, hoạt động trồng rừng và khai thác rừng trồng trên cả nước thuận lợi, nhờ vậy tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp khá cao, ước đạt 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay có 718 chủ rừng quả lý 7,65 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp, 417 phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt đạt 58% tổng số phương án cần phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh khó khăn, phức tạp trong nước và quốc tế, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ 2022. Lý giải về xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp bị suy giảm, Thứ trưởng cho hay, những tháng đầu năm xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chịu tác động từ các thị trường, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn: Lãi suất ngân hàng cao, room ngân hàng hạn chế, sức tiêu thụ của thị trường giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng… Do đó, phải coi đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy, hành động nhanh, kết quả thật để khai thông thị trường là nhiệm vụ ưu tiên”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng Tiến cũng cho rằng hiện nay, hạ tầng nông nghiệp, hệ thống logistics còn yếu kém nên việc giải ngân đầu tư công là yếu tố quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp. Cùng với đó, cần tập trung hạn chế tối đa thủ tục hành chính, có các kế hoạch, mô hình sản xuất sáng tạo, phù hợp. Về mở rộng thị trường, Thứ trưởng Tiến lưu ý, cần xem xét thị trường nào tiềm năng để tập trung ưu tiên mở cửa, thông qua các tham tán nông nghiệp, các đại sứ, tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi thăm cơ sở sản xuất, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong quý 2/2023, mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành phấn đấu đạt 2,9 - 3,0%, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tập trung vào nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi đề xuất chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao. Bộ yêu cầu ngành chăn nuôi, Thú y phải theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, Miền núi phía Bắc.
Đối với ngành thủy sản, Bộ yêu cầu kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về thủy sản tại địa phương về IUU; Theo dõi diễn biến của thời tiết, dự báo ngư trường, nhu cầu của thị trường kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản hiệu quả, đạt các mục tiêu kế hoạch năm. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Tổ chức Hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam –Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh; chuỗi sự kiện Thực phẩm & Đồ uống quốc tế tại Anh nằm trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm