Thị trường hàng hóa
Trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp da giày Việt Nam đã tăng trưởng đầy mạnh mẽ. Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngành da giày vẫn là điểm sáng.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam tăng liên tục, kể từ năm 1986. Duy có 2 năm 2009 và 2020 là giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19.
Bộ Công Thương nhấn mạnh: Bất chấp đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu giày dép trong năm 2021 đạt 20,78 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với năm 1986, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã tăng hơn 2.160 lần.
Theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021 vừa được công bố, lần đầu tiên, Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu với khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020, đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu da giày.
Có thể nói, ngành da giày Việt Nam đang có nhiều triển vọng bứt phá trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang được hưởng lợi rất lớn từ các Hiệp định thương mại tự do, như EVFTA, CPTPP,...
Tuy nhiên, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, và một trong những khó khăn lớn nhất chính là việc công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển tương xứng. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải phụ thuộc vào nguồn nguyên, vật liệu nhập khẩu.
Đặc biệt, khi thế giới đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đã làm nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu sản xuất, hoặc giá thành nguyên liệu tăng cao chóng mặt.
Trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75%, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 – 45%.
Toàn ngành có 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da, giày khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu.
Trước thực tế này, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Hiện tại, trong năm 2022, ngành da giày đặt kỳ vọng cán mốc xuất khẩu 20 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2021 giữ vững vị trí thứ 5 trong các nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch cao của cả nước.
Để đạt được mục tiêu này, theo chuyên gia, các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, vì hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu, một số khâu công việc vẫn phải thuê lao động kỹ thuật cao của nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trả lời về vấn đề này, ngày 20/7, Bộ Công Thương đã có chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.
Bộ Công Thương cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời, tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp da giày, bảo đảm nhu cầu trong nước.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm