Thị trường hàng hóa
Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã tăng tới hơn 8,3 lần (733,2%) so với cùng kỳ năm ngoái lên 153,5 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến 87% thị phần với 133,6 triệu USD.
Còn theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2023, nước này đã nhập khẩu 91.360 tấn sầu riêng với kim ngạch lên đến 506,8 triệu USD, tăng 2,5 lần về lượng và 2,2 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng từ thị trường Việt Nam với khối lượng 27.374 tấn với kim ngạch 133,4 triệu USD, chiếm 30% về lượng và 26,3% về kim ngạch trong tổng nhập khẩu sầu riêng của nước này.
Hiện giá xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng khoảng 10% so với thời điểm mới được cấp phép vào thị trường này. Tuy nhiên, giá sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc vẫn đang khá cạnh tranh với bình quân 4.849 USD/tấn trong quý I/2023 so với 5.555 USD/tấn của Thái Lan.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu các loại quả đạt 377 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sầu riêng là loại trái cây có trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, đạt 57 triệu USD, tăng 291% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 15,1% kim ngạch xuất khẩu trái cây. Sầu riêng chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83% tổng trị giá xuất khẩu loại trái cây này của cả nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho hay, ngày 11/7/2022, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc.
Từ con số 51 mã vùng trồng sầu riêng và 25 mã cơ sở đóng gói đầu tiên được Trung Quốc cấp phép hồi tháng 9/2022, đến nay chúng ta đã có 246 mã vùng trồng (khoảng 12.000 ha/ 110.000 ha) và 97 mã cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch theo Nghị định thư của Trung Quốc, giúp sầu riêng Việt Nam có điều kiện thâm nhập vào thị trường "tỷ đô" của Trung Quốc cho riêng mặt hàng này.
Năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid” nhưng Trung Quốc vẫn nhập khẩu 824.888 tấn sầu riêng với trị giá lên đến hơn 4 tỷ USD, tăng 0,4% về lượng nhưng giảm 4,1% về trị giá so với năm 2021.
Thái Lan là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Ngoài Thái Lan, một số thủ phủ sầu riêng khác như Malaysia, Philippines, Campuchia… đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào Trung Quốc.
Trung Quốc sắp thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên trong nước vào mùa hè này sau hơn 4 năm canh tác. Khoảng 2,45 triệu kg sầu riêng được sản xuất ở Hải Nam sẽ được bán vào tháng 6 tới. Điều này sẽ đặt ra những sức ép cạnh tranh cho sầu riêng Việt tại thị trường Trung Quốc.
Về việc này, theo ông Đặng Phúc Nguyên, quãng đường xa hơn so với Việt Nam đã khiến chi phí vận chuyển, logistics của sầu riêng Thái Lan cao hơn, kéo giá thành mặt hàng này cũng cao hơn. Các lợi thế này giúp giá bán sầu riêng của Việt Nam tốt hơn so với hàng Thái Lan.
Đáng chú ý, sầu riêng Việt Nam khi qua chợ Trung Quốc được người tiêu dùng yêu thích do chất lượng ngon hơn hàng Thái Lan.
"Với nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có thể đạt con số 1 tỷ USD trong năm nay và lọt vào nhóm hàng nông sản xuất khẩu tỷ USD", ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.
Ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, sầu riêng Việt Nam có vụ sản xuất từ tháng 5 năm nay cho đến tháng 4 năm sau và thời gian này rơi vào mùa khô và mùa đông của Thái Lan và Trung Quốc, đây sẽ là có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Để sầu riêng Việt Nam xuất khẩu được giá cao, ông Lê Văn Đức cho rằng phải quan tâm đến chất lượng và quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống đưa vào canh tác.
Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng khuyến nghị, đối với các doanh nghiệp ngành rau quả nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến rau quả, một mặt nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu, một mặt bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau quả chế biến không ngừng tăng trong những năm trở lại đây. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần làm tốt công tác quản lý vùng trồng, đặc biệt là kiểm soát sinh vật gây hại trên sản phẩm.
Hiện, Trung Quốc chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó, có sự góp mặt của mặt hàng sầu riêng được dự báo sẽ trở thành mặt hàng tỷ USD của Việt Nam sẽ góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tăng cao trong năm 2023 ít nhất 20% so năm 2022.
Riêng với mặt hàng sầu riêng, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên cũng kiến nghị cơ quan chức năng đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để cấp phép thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho sầu riêng Việt Nam.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm