Thị trường hàng hóa
Liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu, tờ Người Lao động có bài: “Xuất khẩu sẩu riêng: Phải giữ chữ tín”. Theo bài báo, chiều 17/9, tại tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra lễ công bố xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, với sự tham gia của 7 doanh nghiệp.
Dự kiến, khoảng 3.000 ha với sản lượng 68.000 tấn sầu riêng/năm ở nước ta được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Diện tích được cấp mã số vùng trồng còn rất khiêm tốn khi chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng diện tích sầu riêng của cả nước. Tuy nhiên, những tín hiệu đáng mừng ban đầu đã mở ra nhiều cơ hội cho nông dân trồng sầu riêng lẫn doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - nhấn mạnh: Việt Nam phải mất hơn 4 năm đàm phán để có thể đưa trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, để giữ được thị trường này, cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa và cần tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định tại nghị định thư đã ký kết.
Tờ VnEconomy có bài: “Viên nén gỗ sẽ trở thành ngành hàng tỷ USD, kiến nghị không áp thuế xuất khẩu”.
Theo bài báo, xuất khẩu viên nén của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 đạt giá trị 354 triệu USD, bằng hơn 85% kim ngạch của năm 2021. Nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong nửa cuối năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam trong cả năm 2022 sẽ đạt 700 triệu USD.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest cho biết, hiện tại thuế xuất khẩu viên nén vẫn là 0%. Thời gian gần đây, Chính phủ đang cân nhắc khả năng áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng viên nén. Mức thuế mà cơ quan tư vấn thuế của Chính phủ đưa ra là 5 hoặc 10%.
Tuy nhiên, đề xuất áp dụng thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng này đã nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận từ nhiều cơ quan, ban ngành, bao gồm Viforest, Tổng cục Lâm nghiệp và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Đỗ Xuân Lập cho rằng: “Nếu áp dụng thuế xuất khẩu viên nén tại thời điểm hiện tại không những có thể gây lãng phí đối với nguồn nguyên liệu này mà còn trực tiếp tác động tiêu cực tới các bên tham gia chuỗi, bao gồm các hộ trồng rừng, các cơ sở xẻ bóc gỗ, và các cơ sở sản xuất đồ gỗ. Vì vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ không nên áp thuế xuất khẩu viên nén”.
Tờ Tổ quốc thống kê: “Những mặt hàng xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022”.
Bài báo dẫn thông tin từ Báo cáo về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 499,71 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 5 tỷ USD trở lên là: Điện thoại các loại và linh kiện (40,1 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (36,71 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (30,06 tỷ USD); hàng dệt, may (26,28 tỷ USD); giày dép các loại (16,37 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (11,16 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (7,83 tỷ USD); hàng thuỷ sản (7,63 tỷ USD) và sắt thép các loại (6,08 tỷ USD).
Tờ Vietnamnet có bài: “Nghiên cứu trình Quốc hội giảm thêm các loại thuế xăng dầu kỳ họp tới”.
Bài báo dẫn thông tin từ Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết sách đưa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn, thay đổi này tạo ảnh hưởng nhanh chóng, được cử tri và nhân dân hưởng ứng. Chính sách này còn được tiếp tục thực hiện đến 31/12.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới, để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm