Thị trường hàng hóa
Theo dữ liệu từ Refinitiv Oil ngày 02/2, nhập khẩu dầu thô vào châu Á đạt mức cao kỷ lục trong tháng 1, tăng 11% so với tháng 12 năm ngoái, mặc dù lượng dầu thô đến Trung Quốc thấp hơn.
Tổng lượng dầu thô nhập khẩu của châu Á đã tăng 11,1% so với tháng trước lên 29,13 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong tháng 1. Nhập khẩu tháng trước đã đánh bại kỷ lục trước đó từ tháng 11, khi châu Á nhập khẩu 29,10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, ước tính đã giảm xuống 10,98 triệu thùng/ngày trong tháng trước, từ 11,37 triệu thùng/ngày trong tháng 12 và 11,42 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Clyde Russell, nhà phân tích về hàng hóa và năng lượng châu Á, lưu ý rằng một phần nguyên nhân khiến nhập khẩu của Trung Quốc giảm có thể là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, rơi vào ngày 22/1 năm nay.
Nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ, nước nhập khẩu lớn thứ ba thế giới và lớn thứ hai trong khu vực, đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 5,29 triệu thùng/ngày trong tháng 1, so với 4,78 triệu thùng/ngày trong tháng 12. Hàn Quốc và Singapore cũng tăng cường nhập khẩu dầu thô trong tháng 1 so với một tháng trước đó. Các nhà phân tích cho biết trong tương lai, Trung Quốc sẽ là con bài chủ lực trong nhập khẩu dầu thô châu Á và thị trường dầu mỏ quốc tế. Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc có thể sớm phục hồi khi nước này mở cửa trở lại sau gần ba năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Các nhà chức trách đã ban hành một loạt khoản trợ cấp lớn cho các nhà máy lọc dầu độc lập nhập khẩu dầu thô. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu sau khi làn sóng Covid ban đầu suy yếu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong Báo cáo Thị trường Dầu mỏ tháng 1 rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, lên mức kỷ lục 101,7 triệu thùng/ngày, với gần một nửa mức tăng đến từ Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19. Cơ quan này lưu ý Trung Quốc sẽ thúc đẩy gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu này ngay cả khi hình thức và tốc độ mở cửa trở lại của nước này vẫn chưa chắc chắn. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của OPEC đã giảm trong tháng 1 khoảng 60.000 thùng mỗi ngày (bpd) do nhà sản xuất hàng đầu Ả rập Xê út cắt giảm sản lượng có thể cao hơn hạn ngạch của Vương quốc này.
Toàn bộ tổ chức OPEC-13 chứng kiến sản lượng dầu thô giảm xuống 29,12 triệu thùng/ngày do sản lượng giảm từ Ả rập Xê út và Libya, được bù đắp một phần bởi mức tăng nhẹ của một số thành viên khác. Sản lượng dầu thô của Ả rập Xê út ước tính đã giảm 100.000 thùng/ngày xuống 10,38 triệu thùng/ngày, theo khảo sát của Bloomberg. Đó là thấp hơn khoảng 100.000 thùng/ngày so với hạn ngạch 10,478 triệu thùng/ngày của Ả rập Xê út, được đưa ra tại cuộc họp tháng 10 và có hiệu lực từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2023 hoặc cho đến khi OPEC+ có quyết định khác. Tuy nhiên, OPEC và nhóm OPEC+, bao gồm Nga và hàng chục nhà sản xuất ngoài OPEC khác, đang bơm dầu thô ở mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung mà liên minh OPEC+ đặt ra vào tháng 11/2022.
Tại một cuộc họp trực tuyến ngày 01/2, một nhóm của OPEC+ đã giữ nguyên hạn ngạch sản xuất trong một động thái chính sách được thị trường kỳ vọng rộng rãi, xét đến những bất ổn về cả cung và cầu trong những tháng tới. Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về sự hợp tác của OPEC+ trong một cuộc điện đàm đầu tháng 2, với trọng tâm là duy trì sự ổn định của giá dầu trước cuộc họp trực tuyến của hội đồng OPEC+.
Sản lượng dầu của Nga vẫn tăng bất chấp lệnh trừng phạt mới của phương Tây và giá trần. Do sự không chắc chắn về nhu cầu của Trung Quốc và nguồn cung của Nga trong tháng 2 và tháng 3, OPEC+ được kỳ vọng sẽ giữ mức sản xuất hiện tại, điều này làm giảm sản lượng mục tiêu 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11 trở đi. Tuy nhiên, mức cắt giảm thực tế được ước tính là khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm