Thị trường hàng hóa
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Ngân hàng MSB, mã cổ phiếu MSB - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 /2024 với thu nhập lãi thuần đạt 2.366 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, biên lãi ròng (NIM) duy trì ở mức 3,87%.
Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 300 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối quý 1/2024 của Ngân hàng MSB đạt 592 tỷ đồng, cao gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng chi phí hoạt động trong kỳ tăng 11,6% so với cùng kỳ, lên mức 1.048 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 34%, lên mức 540,5 tỷ đồng.
Kết quả, Ngân hàng MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1/2024 đạt 1.530 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Qua đó, hoàn thành 22,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Ngân hàng MSB đạt 278.789 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng cuối quý 1/2024 đạt 153.503 tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu tăng 16% so với hồi đầu năm, đạt 4.960 tỷ đồng, chiếm 3,2% trong tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng MSB.
Ở phía bên kia bảng cân đối, tính đến cuối quý 1/2024, tổng nợ phải trả của Ngân hàng MSB đạt 246.484 tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 4%, đạt 137.823 tỷ đồng; tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 17%, đạt 38.864 tỷ đồng. Qua đó, nâng tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi khách hàng lên 28,2%, tăng 3 điểm phần trăm so với đầu năm.
Năm nay, Ngân hàng MSB đặt mục tiêu tổng tài sản cuối năm đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm; tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 18%, ở mức 178.200 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu hợp nhất duy trì dưới 3%.
Xem thêm: "Ngân hàng MSB: Để ngỏ phương án bán vốn cho đối tác ngoại, mục tiêu lãi năm nay tăng 17%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra ngày 23/4, một trong những vấn đề được cổ đông Ngân hàng MSB quan tâm nhiều nhất là việc bán vốn cho đối tác nước ngoài.
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc Ngân hàng MSB cho biết, Ngân hàng đã làm việc với các đối tác trong thời gian gần đây. Trong năm 2023, Ngân hàng MSB đã làm việc với 2 tổ chức, trong đó có 1 tổ chức của Đức để trao đổi việc mời cổ đông chiến lược nước ngoài nhằm giúp Ngân hàng MSB trong công tác phát triển kinh doanh, quản trị rủi ro.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh cũng nói, với quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản hiện nay, Ngân hàng MSB hoàn toàn đáp ứng được các hệ số an toàn vốn mà Ngân hàng Nhà nước quy định, thậm chí là theo Basel III, Basel IV.
Do đó, thay vì nhu cầu tăng vốn, Ngân hàng MSB muốn các cổ đông chiến lược nước ngoài mang lại các giá trị về mặt quản trị rủi ro, phát triển kinh doanh và chuyển đổi số.
“Ngân hàng MSB vẫn đang đàm phán và để ngỏ phương án này trong năm 2024. Kế hoạch chi tiết, nếu có, sẽ được báo cáo cổ đông tại các kỳ Đại hội tới”, Tổng Giám đốc Ngân hàng MSB nói.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm