Thị trường hàng hóa
Vừa qua, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An, mã cổ phiếu TAR - sàn HNX) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với doanh thu thuần hơn 966 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp chỉ tăng 27%, đạt gần 49 tỷ đồng. Biên lãi gộp bị thu hẹp từ 7,7% còn 5% trong quý 3/2023.
Đối với các khoản chi phí phát sinh trong kỳ, chi phí tài chính của Gạo Trung An đã tăng 29%; chi phí bán hàng tăng 12%; và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 20%.
Bên cạnh đó, Gạo Trung An còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác gần 4 tỷ đồng trong quý 3/2023, so với mức lỗ lên đến hơn 7 tỷ đồng trong quý 3/2022.
Kết quả, Gạo Trung An báo lãi ròng hơn 12 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lãi theo quý cao nhất của doanh nghiệp này kể từ đầu năm 2023 đến nay và cho thấy hoạt động kinh doanh có dấu hiệu chuyển biến tích cực sau khi ghi nhận lỗ trong nửa đầu năm nay.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Gạo Trung An ghi nhận doanh thu thuần 3.500 tỷ đồng, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi ròng chỉ đạt gần 13 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, doanh nghiệp gạo này đã hoàn thành gần 92% mục tiêu doanh thu và 26% mục tiêu lãi ròng cả năm nay.
Xét về cơ cấu doanh thu, doanh thu xuất khẩu gạo chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của Gạo Trung An. Đặc biệt, doanh nghiệp này chuyên xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ sang các thị trường phát triển như EU, Hàn Quốc, Australia… Đây được xem là những thị trường có biên lợi nhuận cao và có giá xuất khẩu cao vượt trội so với mặt bằng giá gạo xuất khẩu bình quân cả nước.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức hồi cuối tháng 6/2023, cổ đông Gạo Trung An từng đặt câu hỏi về việc tại sao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, doanh thu doanh nghiệp tăng nhưng lợi nhuận lại giảm.
Trả lời vấn đề này, Ban lãnh đạo Gạo Trung An cho biết trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty nhận thấy thực trạng giá lúa gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh theo làm chi phí sản xuất, giá thành tăng cao. Đồng thời, lợi nhuận của doanh nghiệp còn bị “bào mòn” bởi chi phí lãi vay khi lãi suất cho vay tăng cao.
Xem thêm: "Vượt xa mục tiêu lãi cả năm, Nhựa Bình Minh (BMP) liền dự chi hơn 500 tỷ đồng tạm ứng cổ tức" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Gạo Trung An đạt 2.861 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 2% so với thời điểm đầu năm nay. Chủ yếu do hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng 21%, đạt 821 triệu đồng.
Về phía nguồn vốn, tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Gạo Trung An đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 8,5% so với thời điểm đầu năm nay, và chiếm hơn 52% tổng nguồn vốn.
Mặc dù ghi nhận một số kết quả kinh doanh tích cực nhưng trên thị trường chứng khoán, Gạo Trung An lại đón nhận các thông tin tiêu cực. Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định chuyển cổ phiếu TAR của Gạo Trung An sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 30/10/2023 do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2023 quá 45 ngày so với quy định. Như vậy, cổ phiếu TAR chỉ được phép giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần.
Kết thúc ngày 3/11, cổ phiếu TAR giảm kịch biên độ, xuống còn 9.000 đồng/cổ phiếu. So với mức đỉnh ngắn hạn hồi đầu tháng 8/2023, thị giá cổ phiếu TAR hiện đã giảm gần 60%.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm