Thị trường hàng hóa
Chứng khoán MB vừa công bố thông tin phát hành trái phiếu toàn thị trường trong 11 tháng đầu năm 2024. Theo đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong thời gian trên đã vượt tổng mức phát hành trong năm 2023, đạt 403.800 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nhóm ngành Ngân hàng có giá trị phát hành cao nhất khi chiếm tới 72% toàn thị trường, đạt khoảng 288.300 tỷ đồng, tăng 130% so với 11 tháng đầu năm 2023. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngành Ngân hành đạt 5,6%/năm với kỳ hạn trung bình là khoảng 5,1 năm.
Dữ liệu của Chứng khoán MB cho thấy, các ngân hàng phát hành nhiều trái phiếu nhất thị trường trong 11 tháng đầu năm nay đều là các ngân hàng tư nhân.
Cụ thể, các ngân hàng: gồm Ngân hàng ACB (ACB) phát hành 36.100 tỷ đồng trái phiếu; Ngân hàng HDBank (HDB) phát hành 30.900 tỷ đồng; Ngân hàng Techcombank (TCB) phát hành 30.600 tỷ đồng; Ngân hàng Phương Đông (OCB) phát hành 27.700 tỷ đồng...
Chứng khoán MB nhận định các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong thời gian tới nhằm bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay. Tính đến ngày 7/12/2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 12,5%, cao hơn so với mức 9% cùng kỳ năm 2023.
Hãng chứng khoán này cũng dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm theo đà phục hồi của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.
“Việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu dù chi phí vốn đắt đỏ hơn so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được cho là nhằm bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn trong bối cảnh nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi”, Chứng khoán MB đánh giá.
Trước đó, một số tổ chức phân tích cũng có những nhận định tương đồng với Chứng khoán MB khi dự báo nhu cầu đi vay và hoạt động phát hành trái phiếu sẽ tăng trưởng tích cực trong giai đoạn nửa cuối năm 2024. Các tổ chức này đánh giá, các ngân hàng cần củng cố nguồn vốn trung dài hạn bằng nhiều cách, trong đó có hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2.
Việc tăng cường phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại diễn ra trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu thiếu hụt khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm liên tục duy trì trên 4%/năm. Đây là kết quả của việc các ngân hàng liên tục hút thanh khoản trên thị trường cùng với việc giảm huy động tiền gửi từ dân cư của các tổ chức tín dụng trong năm 2024.
Xem thêm: "Ngân hàng VPBank (VPB), HDBank (HDB) sắp tiếp nhận các ngân hàng 0 đồng?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings nhận định, các ngân hàng thương mại đã tận dụng môi trường lãi suất thấp để thực hiện phát hành trái phiếu nhằm củng cố các tỷ lệ an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng cuối năm. Qua đó, kỳ vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14 - 15% cả năm do Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Trong báo cáo mới đây của FiinRatings, ngành ngân hàng được đánh giá là tiếp tục giữ vị trí chủ lực với giá trị phát hành trái phiếu gần 300.000 tỷ đồng, chiếm 67,1% giá trị phát hành toàn thị trường. Với tỷ trọng cao, ngành ngân hàng đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế, theo FiinRatings.
Về dư nợ tín dụng, Ngân hàng ACB ước tính dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2024 đạt 581.000 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Ngân hàng Agribank) ghi nhận tăng trưởng tín dụng ước đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 7,5%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank) ước đạt 542.000 tỷ đồng, tăng 12%; Ngân hàng Vietcombank đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 13%...
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm