Thị trường hàng hóa
Sáng 21/11, tiếp tục chương trình kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất thí điểm cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất nông nghiệp; phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa thông qua thảo luận nhận quyền sử dụng đất.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu việc "thí điểm" giúp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung các dự án trong bối cảnh giá nhà đất tăng cao do việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư khó khăn.
Chính sách cũng sẽ mở rộng điều kiện được nhận chuyển quyền sử dụng các loại đất làm dự án nhà ở thương mại, giúp hạn chế khiếu kiện của người dân, đảm bảo công bằng trong tiếp cận đất đai giữa các nhà đầu tư, giữa các địa phương, duy trì ổn định nguồn cung về nhà ở thương mại, góp phần phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
Nêu ý kiến về dự thảo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nói, thị trường bất động sản hiện nay có nhiều vấn đề, giá bất động sản phi mã, người nghèo, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức rất khó mua được nhà.
“Người ta tính một công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà", ông nói và cho hay, cử tri đặt câu hỏi tại sao Quốc hội chỉ áp dụng cơ chế thí điểm cởi trói cho nhà ở thương mại, mà không xét tới nhà ở xã hội.
Cùng quan điểm, theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, thực tế trên khắp cả nước có những đô thị xây xong không có người ở. Ông Khánh đặt vấn đề, vì sao không dành quỹ đất, cơ chế thí điểm chuyển đổi đất cho phát triển nhà ở xã hội.
Ông phân tích, nhà ở xã hội là nhu cầu thực của người dân, dành cho người thu nhập thấp. Hiện người lao động thu nhập 7-20 triệu đồng một tháng ở nhiều địa phương rất cần chỗ ở, nhưng họ không đủ tiền mua nhà ở thương mại.
“Chúng ta đưa ra chính sách này để gỡ cho dự án nhà ở thương mại, trong khi ở nhiều TP có những khu đô thị xây xong không ai ở”, ông Khánh nói.
Chưa kể, theo ông Nguyễn Công Long, tại không ít địa phương xảy ra tình trạng tiêu cực như đầu cơ đất đai, nhất là mua gom đất nông nghiệp diễn ra hàng chục năm nay.
“Cần có giải pháp để chống tình trạng hợp thức hóa thu gom đất đai, ngăn thu gom, chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lúa, đất sản xuất”, ông Long kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) góp ý cần quy định điều kiện, hạn mức đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở khi chuyển đổi là phải trong quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Việc này nhằm đảm bảo an ninh lương thực, diện tích đất lúa 3,5 triệu ha đến năm 2030 và độ che phủ đất rừng 42%. “Nếu chỉ quy định phù hợp quy hoạch như dự thảo nghị quyết thí điểm thì rất khó xác định”, ông Hải nói.
Trước đó, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu, trường hợp thí điểm cho phép mở rộng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (thương mại, dịch vụ...) làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận, bà Thủy lo ngại sẽ khiến cơn sốt giá đất lây lan, tạo rào cản cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng, tiếp cận nguồn lực đất đai.
“Nếu tổ chức, cá nhân chăm chăm mua gom để chuyển thành nhà ở thương mại, giá đất sẽ tăng, tiếp cận đất đai càng khó khăn hơn”, bà nói và đề nghị chỉ nên thí điểm ở đô thị lớn, đang có nhu cầu cao về nhà ở như Hà Nội, TP.HCM.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị lo lắng thí điểm không hiệu quả sẽ dẫn tới tình trạng đất đai trục lợi, đầu cơ và tích tụ đất đai. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá bất động sản.
Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết này vào ngày 30/11.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm