Thị trường hàng hóa
Trong nhiều năm, châu Âu đã sử dụng nguồn cung khí đốt từ Nga để vận hành các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà. Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ của Liên minh châu Âu (EU) qua hệ thống đường ống. Song, khối lượng xuất khẩu này đã giảm 75% so với công suất thiết kế.
Do đó, phần lớn châu Âu đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng vọt khi mùa đông đang đến gần. Các nước có rủi ro cao nhất là Đức, Hungary và Áo.
Thiếu năng lượng đã buộc các chính phủ tìm cách giải quyết rủi ro khi quá phụ thuộc vào một nguồn cung. Điều này gợi nhớ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1970 khiến phương Tây phải nghĩ lại về việc phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông. Cũng chính từ sau sự kiện này, hoạt động thăm dò và tìm nguồn cung thay thế đã bùng nổ trên toàn cầu.
Hiện, các nước châu Âu đã kịp lấp đầy 90% các kho dự trữ khí đốt. Giá khí đốt đã giảm xuống, nhưng điều này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi các quốc gia cạnh tranh để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tìm nguồn cung khác thay thế.
Từ tháng 1 đến tháng 7 nguồn khí từ Nga giảm 32 tỷ mét khối so với cùng thời kỳ năm trước. Trong khi đó, nguồn cung ngoài Nga đã tăng 31 tỷ mét khối. Để chuẩn bị cho mùa đông này, các thành viên EU phải cắt giảm khoảng 15% lượng khí đốt đang sử dụng từ nay đến tháng 4/2023.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo, châu Âu có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng thậm chí còn nghiêm trọng hơn vào năm tới sau khi rút cạn kho dự trữ khí đốt để vượt qua cái lạnh của mùa Đông năm nay. Thị trường khí đốt tự nhiên trên toàn thế giới đã thắt chặt kể từ năm 2021 và tiêu thụ khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,8% trong năm nay do mức giảm kỷ lục 10% ở châu Âu cũng như nhu cầu không đổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chuyên gia nhận định giá năng lượng tăng cao đang làm tổn hại đến các nền kinh tế châu Á mới nổi. Theo đó, châu Âu, nơi có tiềm lực tài chính mạnh hơn đang đồng thời lấy mất nguồn hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và làm suy yếu các nỗ lực chuyển đổi năng lượng của các quốc gia châu Á.
Trên thị trường LNG, “lục địa già” châu Âu có sức cạnh tranh cao hơn so với một số quốc gia châu Á. Đối với người cung cấp khí đốt tự nhiên, vào thời điểm lạm phát cao và đồng tiền yếu, thị trường châu Âu trở nên hấp dẫn hơn so với các nền kinh tế châu Á mới nổi. Đây là một trong những lý do khiến cho hoạt động nhập khẩu năng lượng ở các nền kinh tế châu Á mới nổi không được đảm bảo.
Trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu LNG giao ngay tại châu Á đã giảm hơn 1/4 so với một năm trước đó. Khởi đầu từ việc mới đây Pakistan đã thất bại trong vụ đấu thầu để mua LNG trong vòng 6 năm, bắt đầu từ năm sau.
Nước này đã hy vọng về một thỏa thuận cung cấp năng lượng dài hạn để giải quyết những khó khăn trên thị trường năng lượng giao ngay và giảm bớt tình trạng mất điện trong nước. Tuy nhiên, cho đến nay họ vẫn chưa thực hiện được mục tiêu này và điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng tại Pakistan trong vài năm tới.
Các chuyên gia cho biết, thông thường, người mua sẽ tìm kiếm các hợp đồng dài hạn để giảm giá mua. Nhưng trên thực tế, nguồn cung LNG trên thị trường sẽ thiếu hụt cho đến năm 2026. Thời điểm giá khí đốt trở lại mức giá thấp thì mới có thể xuất hiện các hợp đồng xuất khẩu mới.
Một trường hợp khác là Philippines, quốc gia đã đặt kỳ vọng vào việc giảm bớt sự phụ thuộc vào than đá cũng như đối phó với tình trạng suy giảm trữ lượng khí đốt tự nhiên trong nước bằng việc nhập khẩu LNG. Tuy nhiên, trước tình hình giá khí đốt tự nhiên tăng cao, Philippines đã phải trì hoãn việc xây dựng bến tiếp nhận LNG và hợp đồng mua bán đầu tiên cũng chưa thể hoàn thành.
Giới phân tích dự báo, nhu cầu LNG của châu Âu dự kiến sẽ đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này. Hiện tại, các nền kinh tế mới nổi đang sử dụng khí đốt như một phương thức giá rẻ để dẫn dắt quá trình chuyển đổi năng lượng. Song, trong vòng vài năm tới, các quốc gia này cũng sẽ cảm nhận được “nỗi đau” từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm