Thị trường hàng hóa
Giá điện ở các nước châu Âu tăng chóng mặt đến ngưỡng khó tưởng tượng trong những tháng qua và dự kiến sẽ tiếp tục lên cao hơn nữa trong thời gian tới. Tại Anh, Cơ quan quản lý năng lượng Ofgem của chính phủ cho hay giá trần năng lượng tại nước này sẽ tăng gần gấp đôi kể từ ngày 1.10, lên mức 4.197 euro/năm và có thể tăng tiếp vào đầu năm sau.
Trong khi đó, giá điện trong hợp đồng năm tới ở Đức đã lên đến 995 euro/MWh. Giá hợp đồng tương đương ở Pháp vượt mức 1.100 euro, đánh dấu mức tăng gấp 10 lần so với năm 2021 ở cả hai nước.
Theo các chuyên gia, ước tính hơn 1/5 lượng điện của châu Âu sản xuất từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt và giá cao chắc chắn đẩy giá điện lên cao hơn.
Tính đến ngày 26/8, giá khí đốt châu Âu đã tăng lên mức 341 euro/MWh, cao gấp hơn 1.200 lần so với mức trung bình của thập niên 2010. Bên cạnh nguyên nhân Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên, việc sản xuất điện cũng trở nên phức tạp hơn khi châu Âu đã và đang trải qua một mùa hè vô cùng khắc nghiệt, với nắng nóng cực đoan kéo dài, hạn hán lớn nhất trong vòng 500 năm, khiến nhu cầu năng lượng ngày càng cấp bách hơn.
Điển hình như, mực nước sông Rhine (Đức) quá thấp trong đợt hạn hán tồi tệ đã cản trở việc vận chuyển than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện vốn nằm rải rác bên bờ sông này. Công ty điện lực lớn của Đức là Uniper đã thông báo cắt giảm sản lượng điện từ 2 trong 3 nhà máy nhiệt điện của mình vì không đủ nguồn cung than.
Hóa đơn tiền điện tăng cao, chi phí sinh hoạt phi mã và một mùa đông phải lựa chọn giữa ăn uống hoặc sưởi ấm đang là thực tế mà người dân châu Âu phải đối mặt… Về mặt đời sống, giá năng lượng tăng cao tạo ra một gánh nặng tài chính rất lớn lên các hộ gia đình.
Khoảng vài tuần gần đây, nước Anh đã xuất hiện phong trào không trả hoá đơn năng lượng (Don’t pay UK), phong trào dân sự nhằm phản đối việc giá năng lượng sẽ tăng quá cao trong thời gian tới. Hiện, phong trào đã thu hút hơn 100.000 người tham gia và mục tiêu là sẽ lôi kéo được 1 triệu người phản đối trả hoá đơn tiền điện hay khí đốt, qua đó gây sức ép buộc chính phủ Anh thay đổi chính sách.
Trung bình mỗi hộ gia đình người dân Anh đang phải chi khoảng 10% thu nhập cho khí đốt và điện, con số đã tăng gấp đôi so với năm 2021. Và hoá đơn điện sẽ tăng khoảng 80% từ tháng 10 tới, khiến gánh nặng tài chính với các hộ gia đình tại Anh sẽ ngày càng lớn hơn.
Việc giá năng lượng tăng cao, cũng là nguyên nhân lớn nhất đẩy lạm phát tại các nước châu Âu lên mức cao nhất trong 3 - 4 thập kỷ qua. Lạm phát khiến chi phí sinh hoạt gia tăng, sức mua giảm sút nên hệ luỵ trực tiếp là chất lượng sống của người dân châu Âu suy giảm.
Về mặt kinh tế, khủng hoảng năng lượng đe dọa mọi lĩnh vực kinh tế. Khi nguồn khí đốt từ Nga bị cắt giảm, châu Âu hiện đang gấp rút tìm kiếm các nguồn thay thế, trong đó một lượng lớn là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập từ các nước như Mỹ, Qatar… Nhưng LNG mà châu Âu nhập từ Mỹ hiện quá đắt đỏ, đắt gấp 10 lần so với mức giá trung bình trong 1 thập kỷ qua và cũng đắt gấp khoảng 10 lần so với giá tại Mỹ.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc châu Âu sắp cấm toàn bộ dầu mỏ của Nga và hiện đang cắt giảm lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga để chuyển qua mua LNG của Mỹ giống như việc châu Âu phải đi mua dầu mỏ với giá 500 USD/thùng. Con số này thậm chí còn có thể cao hơn nữa trong những tháng tới, khi mùa đông khiến nhu cầu năng lượng tại châu Âu tăng cao.
Giá năng lượng nhập khẩu cao khiến nhiều công ty châu Âu đã phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa nhà máy. Mức giá năng lượng đó cũng khiến các công ty châu Âu suy giảm khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác. Hậu quả lâu dài thì sẽ là việc các công ty khu vực đánh mất khả năng cạnh tranh, thậm chí là phá sản.
Gần đây, các nước EU liên tục đưa ra những biện pháp nhằm tiết kiệm năng lượng, khuyến khích người dân giảm tiêu thụ điện để đối phó với sự thiếu hụt lớn. Ngày 24/8, Đức thông báo sẽ giới hạn nhiệt độ trong văn phòng hành chính công mùa đông ở mức 19 độ C, còn nước nóng sẽ bị tắt.
Ngoài ra, Đức cũng cấm bể bơi tư nhân bật hệ thống sưởi từ tháng 9 này và kéo dài trong 6 tháng. Trong khi đó, Phần Lan khuyến khích người dân giảm nhiệt độ hệ thống sưởi, tắm nhanh và ít xông hơi.
Chính quyền Thụy Sĩ kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng, xem xét cấm vận hành một số thiết bị nhất định, áp trần lượng điện đối với các công ty lớn và trong trường hợp cần thiết có thể luân phiên cắt điện theo giờ đối với các hộ gia đình. Nghiên cứu của Viện nghiên cứu Bruegel cho thấy các nước EU đã phân bổ 236 tỷ euro từ tháng 9/2021 - 8/2022 để bảo vệ hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi cú sốc tăng giá.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm