Thị trường hàng hóa
Ghi nhận của PV trong ngày 19/4, tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Thủ đô như chợ Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân, chợ Đồng Xa (Cầu Giấy)... và các sạp hàng buôn bán nhỏ lẻ cho thấy, giá rau xanh liên tục "tăng nóng", trong đó có nhiều loại rau tăng gấp đôi.
Nhìn chung, mức tăng trung bình trên mỗi mặt hàng là từ 10% - 20% so với thời điểm cách đây 2 tuần.
Cụ thể, một số loại rau xanh thời điểm trước giữ giá cao như mồng tơi từ 10.000 đồng/mớ nay chỉ còn 6.000 đồng/mớ, rau muống 15.000 đồng/mớ to tăng lên 15.000 đồng/mớ, rau ngót 7.000 đồng/mớ tăng lên 13.000 đồng/mớ, bắp cải 10.000 đồng/kg tăng lên 20.000 đồng/kg, rau dền từ 7.000 đồng lên 12.000 đồng/mớ,...
Một số mặt hàng củ quả khác cũng tăng đáng kể như: cà chua, cà pháo, các loại bí... giá 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng - 8.000 đồng/kg; khoai tây giá 20.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg, mướp từ 15.000 đồng lên 23.000 - 25.000 đồng/kg,...
Theo các tiểu thương kinh doanh rau tại chợ, nguyên nhân rau xanh tăng giá là các vùng sản xuất rau ở Hà Nội và các tỉnh lân cận gặp mưa lớn trong nhiều ngày, thời tiết thay đổi nồm ẩm, xuất hiện tình trạng sương muối khiến rau hư hại.
Thêm vào đó, ở thời điểm hiện tại, nhiều vườn rau vụ hè tại Hà Nội chưa kịp thu hoạch, các loại rau mùa hè như mùng tơi, rau dền, rau đay,... khan hiếm tại các khu chợ. Trong khi đó, rau vụ thu đông như su hào, bắp cải, súp lơ,...cũng giảm sản lượng đáng kể. Điều này khiến nguồn cung rau củ thiếu hụt, không kịp đáp ứng sức mua tại các chợ.
Bà Phạm Thị Tình, tiểu thương bán rau ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, phần lớn rau ở đây đều được bà nhập từ các vườn rau ở các vựa rau tại ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, một tuần trở lại đây, nguồn rau thiếu hụt khiến lượng hàng cũng giảm mạnh so với trước đây.
“Đáng lẽ đây phải là thời điểm rau xanh dồi dào nhất nhưng hiện tại, nguồn cung không ổn định, giá thành cũng tăng cao. Cũng phải 1-2 tuần nữa giá rau mới có thể dồi dào trở lại, khi đó giá rau có thể sẽ giảm.” - bà Tình chia sẻ.
Ngoài rau củ, giá của các loại thịt lợn, thịt bò tại các chợ truyền thống cũng có xu hướng tăng nhẹ. Trong đó, giá thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu giảm dù giá thịt lợn hơi đã giảm từ đầu năm.
Cụ thể, giá thịt mông sấn 100.000 đồng - 110.000/kg tăng 5.000 đồng/kg; thịt ba chỉ từ 130.000 đồng/kg - 140.000 đồng/kg tăng 10.000 đồng - 20.000 đồng/kg; sườn thăn có giá bán là 110.000 đồng/kg - 120.000 đồng/kg tùy loại, thịt chân giò 100.000 đồng/kg, nạc vai từ 100.000 đồng/kg đến 120.000 đồng/kg,...
Bên cạnh đó, các loại thịt gia cầm như ngan, gà, vịt... đã mổ sẵn có giá dao động từ 75.000-90.000 đồng/kg, gà ta giá 150.000-170.000 đồng/kg.
Việc thực phẩm tăng giá đồng loạt đã gây khó cho người mua vì phải cân đối chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày.
Chị Nguyễn Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá cả tăng cao đã khiến chị phải đắn đo, cân nhắc chi tiêu để phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
“Tôi đi chợ nhưng không biết mua gì cho hợp túi tiền vì giá rau thịt đều tăng. Số tiền chi trả cho bữa ăn cũng tăng theo vì không thể cắt giảm thực đơn. Lương thì cả năm chưa tăng mà giá thực phẩm đã ‘nhảy múa’ thì thật khó cho người tiêu dùng.”- chị Hiền chia sẻ.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm