Thị trường hàng hóa
Đầu tuần này, giá vàng SJC gây chú ý khi “thờ ơ” với đà tăng mạnh của giá vàng thế giới được thiết lập từ cuối tuần trước. Điều đó khiến cho giá vàng SJC trở nên rẻ nhất trong nhiều tháng vì “chỉ” còn đắt hơn giá vàng thế giới hơn 12 triệu đồng/lượng. Trong năm 2022, khoảng cách này thường là từ 17 triệu đến 19 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 18/1, điều ngược lại đang diễn ra. Bất chấp giá vàng thế giới “lao dốc”, giá vàng SJC lại nhích nhẹ khiến vàng SJC trở nên đắt đỏ hơn. Chênh lệch được đẩy lên mức cao, gần 14 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới “lao dốc”
Đầu giờ sáng, tại thị trường châu Á, giá vàng thế giới chỉ giảm nhẹ, khoảng 0,3% và vẫn giữ mốc 1.900 USD/ounce. Tuy nhiên, tới phiên chiều ở thị trường châu Âu, kim loại quý bất ngờ lao dốc và đánh mất mốc 1.900 USD/ounce.
Cụ thể, đầu giờ chiều 18/1, giá vàng thế giới giảm 11,2 USD/ounce, tương đương 0,59% xuống chỉ còn 1.897,5 USD/ounce.
Giá vàng đi lùi đồng đô la Mỹ vững chắc trước kỳ vọng về tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) chậm lại đã hạn chế tổn thất.
Đồng đô la mạnh hơn có xu hướng khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia Kitco, hoạt động chốt lời cũng đang gây áp lực lên vàng khiến kim loại quý này giảm giá.
Về mặt vật chất, công ty khai thác vàng Barrick Gold Corp của Canada đã báo cáo vào thứ Ba rằng sản lượng vàng tuần tự tăng 13,4%, đây có thể là sản lượng hàng quý cao nhất của họ trong năm ngoái.
Dù không giữ được 1.900 USD/ounce nhưng vàng vẫn được kỳ vọng nhanh chóng lấy lại mốc quan trọng này.
“Vàng sẽ bật lên quanh mức 1.900 USD/ounce trong thời gian tới. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến thêm một đợt giảm giá khiến nó bị mắc kẹt trong vùng trung lập”, Edward Meir, nhà phân tích kim loại tại Marex lạc quan về tương lai của vàng bất chấp kim loại quý này đang điều chỉnh mạnh.
“Thị trường sẽ tập trung vào dữ liệu kinh tế. Nếu câu chuyện tiếp tục là lạm phát đang hạ nhiệt và lãi suất sẽ giảm, thì vàng sẽ tăng giá”, Edward Meir cho biết thêm.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chỉ số giá sản xuất (PPI) và dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ vào cuối ngày.
Mức chênh lên đến 14 triệu đồng/lượng
Mặc dù giá vàng thế giới đang giảm nhẹ, tại thị trường Việt Nam, giá vàng SJC lại khá thờ ơ khi niêm yết ở mức giá ít biến động.
Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức: 66,60 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,48 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng nhẹ so với cuối ngày hôm qua. Trong khi đó, giá vàng được trao đổi ở mức: 54,26 triệu đồng/lượng - 55,16 triệu đồng/lượng, giảm 60 đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng SJC được niêm yết ở mức: 66,45 triệu đồng/lượng - 67,45 triệu đồng/lượng. Công ty PNJ mua bán vàng ở mức thấp hơn một chút: 66,40 triệu đồng/lượng - 67,40 triệu đồng/lượng.
Hiện tại, ở mức giá 1.897,5 USD/ounce của giá vàng thế giới, giá vàng quy đổi đạt khoảng 53,6 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa hai mức giá lên đến gần 14 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, hồi đầu tuần, con số này chỉ là hơn 12 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC đắt đỏ trông thấy so với giá vàng thế giới.
Dù vậy, giá vàng thế giới vẫn có cơ hội rút ngắn khoảng cách với giá vàng SJC khi mà kim loại quý này được đánh giá là “một tài sản sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong danh mục đầu tư trong ba năm tới”. Đây là quan điểm vừa được Bank of America (BofA) chia sẻ.
Kim loại quý đã kết thúc một năm không thay đổi và phần lớn được giao dịch giảm và đi ngang kể từ khi đạt mức cao kỷ lục mới vào năm 2020. Nhưng điều này cuối cùng đã thay đổi.
Michael Widmer, chiến lược gia hàng hóa của BofA cho biết: “Sự quan tâm đến vàng đã giảm đi trong những quý gần đây so với các loại tài sản khác, một phần là do lãi suất thực tăng và đồng USD mạnh hơn không tạo động lực để tăng mức độ tiếp xúc với kim loại màu vàng”.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. Widmer chỉ ra rằng triển vọng của vàng sẽ tăng rực rỡ trong năm 2023 và điều đó sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2026.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm