Thị trường hàng hóa
Giá vàng thế giới đạt “đỉnh” 9 tháng
Cuối tuần trước, giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 9 tháng và dễ dàng vượt mốc 1.900 USD/ounce do lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, làm dấy lên hy vọng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ tăng lãi suất chậm hơn.
Đóng cửa tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.920,70 USD/ounce, cao nhất kể từ cuối tháng 4/2022. Kim loại này đã tăng 2,9% trong tuần trước.Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,2% ở mức 1.921,7 USD.
Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy giá tiêu dùng của Hoa Kỳ đã giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm rưỡi vào tháng 12.
Sau dữ liệu này, các nhà hoạch định chính sách của FED bày tỏ sự nhẹ nhõm khi lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 12, mở đường cho khả năng giảm lãi suất xuống 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng Hai.
Lãi suất thấp hơn có xu hướng có lợi cho vàng thỏi, làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi.
Ngoài ra, hoạt động mua hàng tại quốc gia tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc thường tăng mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, kéo dài từ ngày 21/1 năm nay.
Đồng đô la Mỹ đang hướng tới tuần tồi tệ nhất trong hơn một tháng, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Các nhà phân tích của Commerzbank cho biết: “Chúng tôi tin rằng thị trường vàng ban đầu sẽ tạm lắng cho đến khi có dự đoán rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ của Mỹ trong tương lai”.
Sau khi giá vàng “lên đỉnh” 9 tháng, rất nhiều dự báo lạc quan về kim loại quý này dồn dập được công bố. Theo đó, giá vàng được tin là sẽ sớm đạt mốc 2.000 USD/ounce, thậm chí 5.000 USD/ounce.
Sự lạc quan trên thị trường thế giới được tin là sẽ lan tỏa sang thị trường trong nước. Cuối tuần trước, không ít nhà đầu tư sẽ kỳ vọng giá vàng SJC tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tuần.
Giá vàng SJC “rẻ” nhất trong nhiều tháng
Tuy nhiên, trên thực tế, giá vàng SJC không những không tăng mà còn giảm nhẹ. Trong ngày 16/1, Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức: 66,42 triệu đồng/lượng (mua vào) – 67,28 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 60.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức: 66,20 triệu đồng/lượng – 67,20 triệu đồng/lượng. Tại PNJ, giá vàng SJC giao dịch ở mức: 66,30 triệu đồng/lượng – 67,20 triệu đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, dù hạ nhiệt, giá vàng thế giới vẫn giao dịch quanh mức 1.920 USD/ounce. Ở mức 1.920 USD/ounce của giá vàng thế giới, giá vàng SJC quy đổi đạt khoảng 54,32 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới 12,96 triệu đồng/lượng. Mặc dù mức chênh này vẫn còn rất cao nhưng đã rút bớt so với trước đây. Trong năm 2022, khoảng cách này phổ biến ở mức 17-19 triệu đồng/lượng.
Như vậy, có thể thấy, giá vàng SJC đang ở mức rẻ nhất so với giá vàng thế giới trong nhiều tháng liền. Dù vậy, với mức chênh lên đến gần 13 triệu đồng/lượng, vàng vẫn mang lại nhiều rủi ro cho người mua vào. Theo các chuyên gia kinh tế, mức chênh này chỉ nên là 2 triệu đồng/lượng mới an toàn cho nhà đầu tư.
Đây là dấu hiệu tốt khi mà giá vàng SJC đã bớt “nóng” hơn so với thị trường thế giới. Trước đó, trong năm 2022, vàng trong nước đi lên nhanh hơn vàng thế giới.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, năm 2022, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng, giảm đan xen.
Tính đến ngày 25/12/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.804,19 USD/ounce, tăng 4,18% so với tháng 11/2022. Giá vàng tăng do lạm phát Mỹ tháng 11 đã hạ nhiệt, đồng đô la Mỹ suy yếu.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 5,74%.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác thời gian qua là phù hợp. Sự chênh lệch là do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm