Thị trường hàng hóa
Trong tuần qua, giá mít thái tại nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Nai liên tục tăng mạnh. Hiện, giá mít Thái loại 1 (trái có trọng lượng trên 10 kg) đang được bán 45.000 - 48.000 đồng/kg, loại 2 (7 - 8 kg) là 30.000 đồng/kg, loại 3 quanh 10.000 - 15.000 đồng/kg. Đây là mức giá tăng cao nhất trong 4 năm qua.
Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang, An Giang, Đồng Nai, giá mít hiện nay bình quân 32.000 - 39.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá tăng mạnh là nhu cầu xuất khẩu cao, nhất là từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.
Với mức giá như hiện nay thì nhà vườn trồng mít đang "hốt bạc". Theo một nhà vườn tại Tiền Giang cho hay, trái ngược với thời điểm này năm ngoái, giá mít chỉ khoảng 7.000 đồng/kg nhưng cũng không tiêu thụ được, thì hiện các thương lái đặt mua rất nhiều, nhất là mít Thái loại 1 để xuất khẩu.
Còn theo một thương lái tại địa phương này, mỗi ngày họ thu mua được vài chục tấn mít Thái nhưng cũng không đủ cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Cùng với nhu cầu tăng cao, theo các chủ vườn, giá mít Thái tăng nhanh còn do nguồn cung thấp. Nhất là sau 4 năm đại dịch Covid-19, do đầu ra không có, giá mít chỉ vài nghìn đồng/kg nên nhiều nhà vườn đã thu hẹp diện tích, do đó, đến nay, sản lượng cung ứng ra thị trường thấp hơn so với mọi năm từ 20 - 30%.
Ngoài ra, do một số cây trồng có giá bán cao, nên một số vùng chuyên trồng mít như Tiền Giang nay cũng đã chuyển đổi một phần sang trồng sầu riêng.
Mặt khác, giá mít tăng cao còn do nghịch vụ. Theo các vựa và thương lái ở các tỉnh này, hiện giá mít Thái đang dần ổn định và có thể tăng tiếp tục trong vài ngày tới.
Hiện, diện tích trồng mít Thái ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã lên đến con số vài chục nghìn ha, nhiều nhất là các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Hậu Giang, Bến Tre…
Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, năm 2023 địa phương này có 714 ha trồng mít, năng suất ước 20 tấn/ha. Còn tại tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng mít Thái tại địa phương này đã là hơn 550ha và đang tăng nhanh. Tương tự, tại Đồng Tháp, hiện diện tích trồng mít Thái cũng lên con số trên 4.000ha. Đồng Tháp đã làm mã số vùng trồng mít đã cơ bản xong toàn tỉnh và sắp tới sẽ làm mã vùng trồng nội địa.
Mít Thái có thị trường tiêu thụ rất lớn ở các thành phố nội địa Trung Quốc. Mít xuất khẩu sang Trung Quốc được phân ra làm 3 loại: Mít loại 1 (từ 9 kg/quả trở lên), mít loại 2 (từ 6 – 8 kg/quả) và mít loại 3 (dưới 5 kg/quả).
Hiện nay để xuất khẩu mít sang thị trường Trung Quốc thì phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Khi đóng gói mít xuất khẩu thì cần phải tuân thủ quy định đóng gói hàng hóa, đồng thời phải ghi rõ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trên bao bì.
Trong bối cảnh giá mít tăng cao, ngành nông nghiệp các tỉnh cũng đang khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích và cần trồng theo quy hoạch để duy trì chất lượng mít. Bởi cây ăn trái là cây lâu năm, mỗi lần chuyển đổi rất khó. Đồng thời, khuyến khích người dân trồng nông sản sạch, sử dụng phân hữu cơ để sản phẩm có giá trị cao. Trước khi thay đổi cây trồng thì nông dân nên biết 3 bước: chi phí, kỹ thuật và chất lượng (tham gia mã số vùng trồng, chất lượng sản phẩm).
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo, người dân nên ổn định diện tích trồng cây ăn trái, tránh chuyển đổi ồ ạt, chạy theo trào lưu trồng - chặt khi thấy giá nông sản tăng đột biến.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm