Thị trường hàng hóa
Thiếu hụt nguồn cung, giá cao su dự kiến neo cao kéo dài
Đầu tháng 10, giá cao su thế giới tiếp tục đà tăng và lên mức cao nhất 13 năm trở lại đây, đạt 73,6 triệu đồng tấn đối với cao su RSS3, tương ứng mức tăng tới gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng hơn 10% so với hồi tháng 9.
Các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Rồng Việt cho biết, động lực chính thúc đẩy giá cao su hiện nay chủ yếu đến từ việc thiếu hụt nguồn cung, gồm tình trạng mưa lũ kéo dài Thái Lan - quốc gia cung ứng cao su tự nhiên lớn nhất thế giới (chiếm 33% tổng sản lượng). Cùng với đó là bệnh rụng lá lan rộng tại nhiều quốc gia sản xuất cao su khác đang tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng mủ. Ngoài ra, ảnh hưởng của bão Yagi làm gián đoạn quá trình thu hoạch vào mùa cao điểm ở Việt Nam cũng như một số quốc gia trong khu vực.
Nhìn lại giai đoạn 2015 - 2023 cho thấy, pha La Nina gây mưa bão ảnh hưởng đến nguồn cung cao su tự nhiên của các khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia,…) dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung và thúc đẩy đà tăng giá trong ngắn hạn. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Quốc tế (IRI), pha La Nina có xác suất 71% bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn từ tháng 9 - tháng 11/2024.
Dữ liệu lịch sử của IRI cho thấy, pha La Nina thường kéo dài từ 9 - 12 tháng, hoặc thậm chí lên đến 2 năm. Do đó, nguồn cung cao su trên thế giới có thể tiếp tục bị kìm hãm.
Chứng khoán Rồng Việt hiện dự báo sản lượng cao su thế giới đang bước vào chu kỳ giảm mới với khả năng thiếu hụt nguồn cung trong cả năm 2025 - 2026, nhất là trong bối cảnh Thái Lan đang triển khai lộ trình giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới nhằm trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Những vùng trồng mới tại các nơi khác dự kiến nhanh nhất có thể cho thu hoạch vào năm 2027 - 2028.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cao su dự kiến sẽ duy trì và có thể nhích tăng nhẹ trong năm tới, nhờ vào sự phục hồi sản xuất của các thị trường tiêu thụ chính (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan), đặc biệt các sản phẩm từ cao su như lốp xe và găng tay.
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) hiện dự báo thị trường toàn cầu dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 600.000 - 800.000 tấn cao su/năm từ nay đến năm 2028. Do đó, giá mủ cao su trên thế giới dự kiến sẽ neo ở mức cao từ nay đến ít nhất là năm 2026.
Cao su Đồng Phú, Cao su Phước Hoà kỳ vọng “thắng lớn”
Tại Việt Nam, luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch đạt hơn 1,7 tỷ USD, giảm 7,2% về lượng nhưng tăng 8,4% về giá. Chứng khoán Rồng Việt nhận định giá cao su của Việt Nam sẽ tiếp tục neo ở mức cao, trên 1.600 USD/tấn, và phản ứng theo tình trạng cung cầu của ngành cao su thế giới.
Trong bối cảnh trên, Chứng khoán Rồng Việt nhận định Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) và Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà (PHR) sẽ là hai doanh nghiệp hưởng lợi điển hình.
Xem thêm: "Tổng Giám đốc Cao su Việt Nam (GVR): Lợi nhuận năm nay sẽ vượt đáng kể kế hoạch được giao" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Sản lượng tiêu thụ của Cao su Đồng Phú và Cao su Phước Hoà trong năm nay dự kiến sẽ đạt kế hoạch đề ra nhờ nguồn cầu ổn định với các đối tác truyền thống ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, và châu ÂU.
Cụ thể, đối với Cao su Phước Hoà, Chứng khoán Rồng Việt dự báo doanh thu và lãi ròng của công ty trong cả năm nay lần lượt là 1.753 tỷ đồng và 651 tỷ đồng, lần lượt tăng 29,7% và 5,08% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu từ mảng cao su tăng tới 48%, đạt 1.521 tỷ đồng, tương ứng chiếm 87% tổng doanh thu. Biên lợi nhuận gộp mảng cao su ước tính đạt 31%.
Đối với Cao su Đồng Phú, doanh thu và lãi ròng của công ty trong cả năm nay ước đạt lần lượt là 1.162 tỷ đồng và 286 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,6% và 38,1% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu từ mảng cao su dự báo tăng 23,5%, đạt 954 tỷ đồng, tương ứng chiếm 82% tổng doanh thu và biên lợi nhuận gộp mảng này dự kiến đạt 24%.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm