Thị trường hàng hóa
Giá cao su tăng cao bất thường, đã tiêu thụ hơn 100.000 tấn cao su
Ngày 29/3, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 nhằm thảo luận các vấn đề quan trọng, gồm kế hoạch kinh doanh năm 2024, tiến độ phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp, và lộ trình thoái vốn nhà nước.
Cụ thể, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam trình kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 24.999 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.247 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và tăng 2% so với mức nền thấp của năm 2023.
Ông Trần Thanh Phụng, Phó Tổng Giám đốc Cao su Việt Nam đánh giá, trong năm 2023, hoạt động kinh doanh của tập đoàn gặp nhiều khó khăn do giá cao su giảm sâu; ngành gỗ gần như đóng băng, hụt đơn hàng; tiến độ triển khai khu công nghiệp chậm so với dự kiến trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn vĩ mô trong nước lẫn thế giới.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2024, giá cao su đã tăng mạnh đem lại kỳ vọng hồi phục tích cực.
“Trong quý 1/2024, toàn tập đoàn tiêu thụ 101.000 tấn cao su với giá bán bình quân 36,7 triệu đồng/tấn, cao hơn cùng kỳ 4,1 triệu đồng/tấn, tương ứng mức tăng 12,6%. Giá hiện hành với mủ cao su chủng SVR 3L (loại mủ phổ biến) đã lên đến 49 triệu đồng/tấn, tăng 12,5 triệu đồng/tấn, tương ứng mức tăng 34% so với đầu năm nay”, ông Trần Thanh Phụng cho biết.
Lãnh đạo Cao su Việt Nam cũng đánh giá mức tăng giá trên là cao ngoài dự kiến, thậm chí “bất thường” trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân được cho là từ yếu tố thời tiết bất lợi khiến nguồn cung khan hiếm và giá dầu tăng cao đã tác động lan toả đến giá cao su tự nhiên, trong khi đó “nhu cầu thực tế không tăng nhiều”.
Ông Trần Thanh Phụng dự báo, giá cao su còn ở mức cao ít nhất cho đến tháng 5 - 6, thời điểm mùa cạo tới và nguồn cung tăng trở lại. Cao su Việt Nam hiện nhận định, giá cao tự nhiên trong cả năm nay sẽ đạt trung bình 34 - 35 triệu đồng/tấn, tăng 2 - 3 triệu đồng/tấn tương ứng tăng khoảng 6 - 10% so với năm 2023.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, diện tích cao su tại nhiều quốc gia sản xuất lớn, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á, đang giảm đáng kể khi các hộ tiểu điền chuyển sang cây trồng khác có thời gian chăm sóc nhanh hơn, lợi nhuận cao hơn như dầu cọ, sầu riêng…; cùng với đó là tình trạng thiếu hụt lao động cho khai thác mủ. Điều này khiến nhiều vườn cây đang trong độ tuổi khai thác bị bỏ trống.
FPT Securities (FPTS) hiện dự báo thị trường toàn cầu có thể thiếu hụt khoảng 750.000 tấn cao su tự nhiên trong năm nay.
Đã có quyết định chuyển đổi 25.000 ha đất cao su
Cũng tại Đại hội, ông Đỗ Hữu Phước, Phó Tổng Giám đốc Cao su Việt Nam cho biết, mảng bất động sản khu công nghiệp đã ghi nhận chuyển biến lớn về pháp lý.
Cụ thể, tính đến hiện tại, Cao su Việt Nam đã nhận được quyết định chấp thuận chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp ở 3 địa phương gồm Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước với tổng diện tích khoảng 25.000 ha. Hai địa phương đang ở giai đoạn cuối chờ thông qua ở Hội đồng Thẩm định Quốc gia gồm Bình Dương và Đồng Nai.
Hiện Cao su Việt Nam đang chờ phê duyệt đơn giá thuê sử dụng đất Khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Lãnh đạo tập đoàn kỳ vọng quyết định trên sẽ được công bố vào giữa tháng 4 tới đây.
Sau nhiều năm quỹ đất sạch mới không được bổ sung, các bước tiến pháp lý trên được xem như “cơn mưa giải hạn”, tạo ra động lực tăng trưởng trong mảng bất động sản khu công nghiệp của Cao su Việt Nam.
Về lộ trình thoái vốn nhà nước tại tập đoàn, ông Trần Công Kha - Chủ tịch HĐQT cho biết, do tập đoàn đang quản lý quỹ đất trồng cao su, phi nông nghiệp rất lớn cùng quản lý nhiều đơn vị thành viên nên việc xác định giá trị đất, doanh nghiệp mất nhiều thời gian.
Xem thêm: "Hàng trăm nghìn ha cao su trên thế giới bị bỏ hoang, ngành cao su Việt Nam hưởng lợi" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tại Đại hội, cổ đông Cao su Việt Nam đã thông qua việc sắp xếp lại tập đoàn và tái cơ cấu các khoản đầu tư đến hết năm 2025.
Cụ thể, Cao su Việt Nam sẽ chuyển nhượng vốn tại 01 đơn vị đang nắm cổ phần chi phối là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su.
Đồng thời, Cao su Việt Nam muốn chuyển nhượng vốn tại 07 đơn vị không nắm cổ phần chi phối, gồm 5 công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, gồm: Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu VRG); Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Vũng Tàu (mã cổ phiếu VIR); Công ty Cổ phần EVN Quốc tế (mã cổ phiếu EIC); Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã cổ phiếu SIP); Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 (mã cổ phiếu TL4); Công ty Cổ phần Điện Việt Lào; và Công ty Cổ phần BOT Quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm