Thị trường hàng hóa
Giá cà phê trong nước hôm nay 12/3 tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giảm 400 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng hiện ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà được thu mua với giá từ 47.300 – 47.400 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum cà phê đứng ở mức giá 47.700 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk giảm 400 đồng/kg, tại huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 47.800 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 47.700 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê giảm 400 đồng/kg, hôm nay giá thu mua ở mức 47.600 đồng/kg tại thành phố Gia Nghĩa và 47.700 đồng/kg ở huyện Đắk R'lấp.
Đối với giá cà phê thế giới, giá cà phe trên hai sàn đảo chiều ngược lại.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn London đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 28 USD, xuống 2.140 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 26 USD, còn 2.131 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn New York đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 2,75 cent, lên 177,80 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 2,50 cent, lên 177,10 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê Robusta gặp bất lợi ngay sau báo cáo của Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu tháng 2 đạt 200.056 tấn (khoảng 3,334 triệu bao), tăng mạnh tới 40,35% so với tháng trước và cao hơn ước tính ban đầu ở mức 3 triệu bao. Điều này đã làm giảm bớt mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cà phê đang là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao trong nhóm hàng nông sản của nước ta. Với vị thế là nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, các sản phẩm cà phê của nước ta đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, khối lượng xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn với giá trị kim ngạch hơn 4 tỷ USD.
Chuyên gia nhìn nhận, trong bài toán nâng cao giá trị nông sản Việt, cần đề cao và luôn nhấn mạnh quan điểm chế biến sâu sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với xuất khẩu nguyên liệu thô. Đây chính là tiền đề để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của địa phương tới thị trường nội địa và quốc tế.
Trong bối cảnh đó, ngày 11/3, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị kết nối giao thương Quốc tế năm 2023; với sự tham dự của khoảng 450 đại biểu là đại diện các nhà nhập khẩu, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng cà phê trong và ngoài nước cùng các tổ chức kinh tế.
Việc tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 trong khuôn khổ Lễ Hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với đông đảo các doanh nghiệp cà phê, nhà phân phối trong nước và quốc tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối giữa người mua và người bán, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với nhà nhập khẩu, cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm