Thị trường hàng hóa
Bitcoin sụt giảm, giá vàng tăng mạnh trong năm 2023
Hiện tại, giá vàng thế giới vẫn đang “mắc kẹt” ở mốc 1.800 USD/ounce. Dù vậy, trong báo cáo mới nhất, ngân hàng Anh quốc Standard Chartered lại đưa ra dự báo khá táo bạo cho kim loại quý này.
Cụ thể, cuối tuần trước, Standard Chartered công bố báo cáo "Những bất ngờ của thị trường tài chính năm 2023”. Trong đó, ngân hàng này đưa ra những phân tích về Bitcoin và thị trường vàng.
Standard Chartered có cái nhìn khá bi quan với thị trường tiền số khi cho rằng Bitcoin có thể bị lỗ đáng kể vào năm tới khi lĩnh vực công nghệ tiếp tục bị ảnh hưởng và không gian tiền điện tử chứng kiến nhiều vụ phá sản và rủi ro lây lan hơn.
Và đây lại là tin tốt cho thị trường vàng. Ông Eric Robertsen, Chủ tịch toàn cầu của Bộ phận Nghiên cứu thuộc Standard Chartered đưa ra kịch bản khi Bitcoin giảm giá thì vàng phục hồi vì các nhà đầu tư chuyển trọng tâm từ phiên bản vàng kỹ thuật số sang kim loại thực.
Robertsen cho biết vàng có thể tăng lên 2.250 USD/ounce vào năm tới "khi tiền điện tử tiếp tục giảm và nhiều công ty tiền điện tử không chống chọi được với tình trạng siết chặt thanh khoản và rút tiền của nhà đầu tư”.
Đây sẽ là mức tăng 26% so với mức hiện tại. Giá vàng kỳ hạn tháng 2 trên sàn Comex được giao dịch lần cuối trong tuần trước ở mức 1.790,70 USD, giảm 1,04% trong ngày.
Robertsen cho biết thêm, biến động gia tăng trên thị trường vào năm tới cũng có thể giúp vàng đảm bảo vị thế là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường sẽ có thêm nhiều xáo trộn trong năm 2023.
Ông viết: “Sự hồi sinh của vàng vào năm 2023 diễn ra khi chứng khoán tiếp tục đà đi xuống và mối tương quan giữa giá cổ phiếu và giá trái phiếu chuyển sang âm”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng không loại trừ thị trường có sẽ nhiều bất ngờ lớn. Đó là vàng bị “định giá thấp”. Nghĩa là giá vàng sẽ sụt giảm sâu. Nhưng kịch bản này không được đánh giá cao.
Nỗi lo người dân mua vàng “đắt”
Ngày 6/12, tại thị trường trong nước, giá vàng SJC giao dịch phổ biến ở mức 66,02 triệu đồng/lượng (Mua vào) – 66,68 triệu đồng/lượng (Bán ra). Thế nhưng, giá vàng thế giới lại dao động ở mức hơn 1.806 USD/ounce, tương đương 53,55 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới hơn 13 triệu đồng/lượng. Trước đây, khoảng cách này lên đến 17-19 triệu đồng/lượng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, mức chênh giữa giá vàng thế giới và trong nước đạt khoảng 2 triệu đồng/lượng là hợp lý.
Có thể thấy, dù mức chênh đã được giảm bớt nhưng đây vẫn là con số rất lớn, có thể gây nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư.
Vì vậy, nếu dự báo của ông Eric Robertsen là chính xác, giá vàng thế giới sẽ đạt 2.250 USD/ounce vào năm 2023 thì người tiêu dùng Việt sẽ phải trả giá rất lớn để sở hữu vàng.
Cụ thể, giả định tỷ giá không đổi, giá vàng thế giới quy đổi sẽ đạt 66,7 triệu đồng/lượng, đúng bằng giá bán ra vàng SJC ở thời điểm hiện tại.
Giả định thêm chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước cũng không đổi (hơn 13 triệu đồng/lượng), giá vàng SJC sẽ đạt tới 80 triệu đồng/lượng. Đây là mức rất cao. Và cũng từ đây, nỗi lo người dân phải mua vàng với giá đắt đỏ lại hiển hiện.
Trước đây, hồi cuối tháng 7, khi mà chênh lệch giữa hai thị trường lên đến 17-19 triệu đồng/lượng, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp.
Ngoài ra, Nghị định 24NĐ/CP về quản lý thị trường vàng góp phần ổn định tâm lý của người dân, duy trì giá trị VND thông qua việc kiểm soát chặt lạm phát nên người dân chuyển hóa một lượng lớn vàng vật chất sang tiền VND và dùng nó để tạo ra nguồn lực đầu tư, tái đầu tư cho nền kinh tế.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm