Thị trường hàng hóa
Kết thúc quý 2/2024, Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 847 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ tăng tới 60%, lên 153 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh và thuế, Dệt may Thành Công thu về 72 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 31 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 7 quý trở lại đây của công ty này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.781 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế đạt 170 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 95% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về cơ cấu, mảng may mặc tiếp tục là trụ cột mang lại nguồn thu chủ yếu cho Dệt may Thành Công với 1.746 tỷ đồng doanh thu. Theo sau là mảng dịch vụ sức khỏe với doanh thu 33 tỷ đồng, còn lại đến từ hoạt động khác.
Xét theo thị trường, trong 6 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Á với tỷ trọng 70%. Trong khi đó, thị trường châu Mỹ chiếm 25% và châu Âu chiếm 4%.
Về tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công cho biết, công ty đã và đang nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 3/2024 và khoảng 86% cho đơn hàng quý 4/2024. Ban lãnh đạo công ty hiện kỳ vọng tình hình xuất khẩu trong nửa cuối năm nay sẽ tăng trưởng tích cực hơn để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Xem thêm: "Vì sao đang có lãi, Dệt may Thành Công (TCM) lại đóng cửa xưởng may công suất 5 triệu sản phẩm?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Để đáp ứng sự hồi phục của thị trường trong thời gian tới, Dệt may Thành Công vừa qua đã hoàn tất thương vụ mua lại Công ty TNHH Dệt may SY Vina với trị giá 468 tỷ đồng trong tháng 6 vừa qua.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công cho biết, thông qua thương vụ M&A này, công ty sẽ có được giấy phép nhuộm để tối ưu quy trình sản xuất khép kín từ sợi - đan/dệt - nhuộm - may. Qua đó, dễ dàng tận dụng lợi thế để mở rộng quy mô hoạt động.
Dệt may Thành Công là một trong số ít những doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam có quy trình sản xuất khép kín từ sợi - đan/dệt - nhuộm - may. Việc mua lại SY Vina giúp công ty tận dụng lợi thế trong chuỗi sản xuất bao gồm dệt, nhuộm và may - 3 công đoạn dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc mua lại Nhà máy SY Vina cũng giúp Dệt may Thành Công mở rộng thêm những mặt hàng khác bên cạnh các sản phẩm truyền thống để phục vụ các đơn hàng sản phẩm may có giá trị cao. Đây cũng là giải pháp tối ưu hóa bài toán đầu tư, giúp gia tăng lợi nhuận của công ty trong dài hạn, ông Trần Như Tùng nói.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm