Thị trường hàng hóa
Công ty Onaga (Nhật Bản) vừa nhận Giấy chứng nhận đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, hàng không vũ trụ, ôtô… tại Khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip). Nhà máy dự kiến sản xuất đợt 1 vào năm 2023, được kỳ vọng sẽ kích hoạt chuỗi các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Cùng với việc đầu tư vào Hanssip, Công ty Onaga cũng đã ký hợp đồng, thỏa thuận hợp tác tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ giữa Onaga – Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản (IDS Co.,Ltd) với nhóm các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Theo ông Onaga- Chủ tịch công ty Onaga, thị trường Việt Nam còn rất tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 tỷ USD linh kiện ôtô, xe máy, máy móc các loại. “Với sự hợp tác “win – win” 2 bên cùng có lợi, chúng tôi sẽ truyền bí quyết kinh nghiệm, kỹ thuật của mình cho các doanh nghiệp Việt” - ông Onaga chia sẻ.
Là một trong số các doanh nghiệp ký kết với Onaga đợt này, CEO Công ty CP Sản xuất và Phát triển công nghiệp Việt - Nhật (Indema) - bà Nguyễn Thu Hồng - mong muốn tìm kiếm cơ hội để có thể nhận được sự chuyển giao công nghệ từ phía doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời nâng cao trình độ của người lao động, cũng như sản xuất các sản phẩm mới tốt hơn và cung ứng được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng đầu tư đến với Việt Nam hiện đang hướng tới ngành công nghệ cao, kinh tế số, chuyển đổi số, sản xuất linh kiện điện tử và chíp bán dẫn. Để đón dòng đầu tư này, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các địa phương đang rất tích cực chuẩn bị nền tảng. “Riêng với TP. Hà Nội, hội tụ nhiều điều kiện về hạ tầng, có nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là điều kiện rất tốt để thu hút các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số” – ông Hoàng nhìn nhận.
Cũng theo ông Đỗ Nhất Hoàng, các tập đoàn lớn đến với Việt Nam sẽ mang theo chuỗi cung ứng của mình. Đồng thời, họ cũng tìm những địa điểm đầu tư có sẵn chuỗi cung ứng, có hệ sinh thái của ngành công nghiệp phụ trợ. Việc có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phụ trợ sẽ là yếu tố để hấp dẫn các tập đoàn lớn đến với Việt Nam.
Về phía TP. Hà Nội, ông Lê Quang Long – Trưởng Ban quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội – cho biết, thành phố sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, các doanh nghiệp FDI nói chung và cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cùng nhau hợp tác sản xuất. Trong đó, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp về tuyển dụng và đào tạo lao động chất lượng cao.
“Riêng với Hanssip, Hà Nội sẽ hỗ trợ cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các điều kiện cần và đủ để KCN trở thành điển hình, kiểu mẫu, chuyên sâu cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Các tiện ích về hạ tầng đồng bộ với phần khu dịch vụ đô thị trong KCN, sẽ cùng phát triển, hỗ trợ thúc đẩy cho các doanh nghiệp an tâm sản xuất tại đây”- ông Long nhấn mạnh.
Ông MATSUMOTO IZUMI - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam: Với chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và việc đơn giản hóa thủ tục cấp phép sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Hanssip. |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm