Thị trường hàng hóa
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp quân đội, Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng, cho biết, chương trình tọa đàm được tổ chức để nhìn lại chặng đường đầy gian nan, khó khăn nhưng cũng đầy oanh liệt, trách nhiệm vừa qua của các doanh nghiệp quân đội khi dịch Covid-19 hoành hành, để ứng phó và tìm hướng đi mới hợp lý hơn, hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Theo Thiếu tướng Trần Đình Thăng, doanh nghiệp quân đội là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế, phát triển đất nước; đồng thời, giữ gìn, phát triển năng lực sản xuất sản phẩm quốc phòng, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ở các lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp bị hạn chế tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, doanh thu giảm mạnh... Các doanh nghiệp quân đội cũng không nằm ngoài những áp lực đó.
Tuy nhiên, trong “nguy” có “cơ”, các doanh nghiệp quân đội đã kịp thời nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này, từ đó giúp khơi thông chuỗi cung ứng, tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế vốn có, tiêu thụ sản phẩm.
Đáng chú ý, những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã và đang thực hiện chuyển đổi số, bước đầu đạt hiệu quả, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, từ đó vươn lên khẳng định thương hiệu, liên kết, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cao hơn.
Nhiều doanh nghiệp quân đội đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong thời gian khó khăn, điển hình như các doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Ngân hàng Thương mại CP Quân đội; Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn; Tổng Công ty Thành An (Binh Đoàn 11); Công ty TNHH MTV 76; Tổng Công ty Gaet; Tổng công ty Trực thăng Việt Nam…
Nhờ vậy, các doanh nghiệp quân đội tiếp tục là lực lượng tiên phong trong gánh vác những nhiệm vụ khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở những vùng biên cương, hải đảo. Doanh nghiệp quân đội không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả mà còn đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, là lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch bệnh.
Vượt qua đại dịch Covid-19, hiện nay, chúng ta lại đối mặt với vấn đề lạm phát gia tăng trên toàn cầu. Chi phí sản xuất hàng hóa tăng vọt, dẫn đến tăng giá sản phẩm đầu ra, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Hơn nữa, giá bán tăng làm giảm nhu cầu mua sắm, giảm nhu cầu về mặt hàng đang sản xuất của doanh nghiệp, lượng hàng hóa tiêu thụ đều giảm 1 cách rõ rệt.
Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp quân đội tập trung thảo luận về vấn đề lạm phát tăng trên thế giới-mối lo ngại chung của toàn nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới cả doanh nghiệp và người tiêu dùng; giải đáp những vấn đề mà các doanh nghiệp đặt ra, giúp các doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội, đón bắt cơ hội của thị trường, trụ vững và phục hồi, phát triển nhanh hơn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm