Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo tài chính quý 4/2023, Công ty Cổ phần Damsan (Dệt sợi Damsan, mã cổ phiếu ADS - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần 371 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong kỳ đã giảm 4%, giúp lợi nhuận gộp đạt gần 37 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, Dệt sợi Damsan ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 4/2023 ở mức gần 11 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Ban lãnh đạo Dệt sợi Damsan cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ giá bông trong quý cuối cùng của năm 2023 đã giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, mảng bất động sản khu công nghiệp bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh chung với việc ghi nhận doanh thu cho thuê đất tại cụm công nghiệp An Ninh (quy mô 74 ha, tỉnh Thái Bình).
Trước đó, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của Dệt sợi Damsan cũng ghi nhận tín hiệu khởi sắc nhờ doanh thu mảng bất động sản nhà ở tăng 30% khi tiếp tục bàn giao nốt các sản phẩm còn lại tại Dự án Khu đô thị Phú Xuân (quy mô 3,7 ha, tỉnh Thái Bình).
Luỹ kế năm 2023, Dệt sợi Damsan ghi nhận tổng doanh thu thuần 1.642 tỷ đồng, giảm 2,6% so với năm 2022, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 90 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 55% mục tiêu doanh thu và 82% mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn tích cực hơn so với mặt bằng chung ngành xơ sợi trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm may mặc ở mức yếu, kéo dài trong cả năm 2023. Phần lớn các doanh nghiệp xơ sợi đều ghi nhận kết quả kinh doanh “đi lùi” trong năm 2023.
Với việc đưa Nhà máy Sợi An Ninh (công suất 7.200 tấn sợi/năm) kể từ cuối năm 2022, Dệt sợi Damsan hiện lọt top 5 doanh nghiệp sản xuất sợi và khăn lớn nhất toàn quốc. Công ty hiện đang sở hữu 03 nhà máy với tổng công suất thiết kế đạt 14.000 tấn/năm đối với sợi CD32 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và 3.000 tấn/năm đối với khăn.
Hiện một số tổ chức tài chính nhận định, kết quả kinh doanh của ngành xơ sợi nói chung, Dệt sợi Damsan nói riêng sẽ tăng tốc phục hồi trong năm nay khi giá bông tiếp tục xu hướng giảm và nhu cầu nhập khẩu sợi tăng trở lại tại Trung Quốc - thị trường nhập khẩu xơ sợi lớn nhất của Việt Nam.
Ngoài ra, trong năm 2023, Dệt sợi Damsan đã phát triển thành công các đơn hàng quy mô lớn xuất sang Nhật Bản, mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Xem thêm: "Dệt sợi Damsan (ADS): Vận hành nhà máy pin mặt trời lớn nhất tỉnh Thái Bình" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Bên cạnh mảng dệt sợi, Dệt sợi Damsan đang đẩy mạnh việc phát triển mảng bất động sản nhà ở và công nghiệp với các dự án tại tỉnh Thái Bình và một số địa phương khác. Ban lãnh đạo Dệt sợi Damsan hiện đặt mục tiêu phát triển quỹ đất công nghiệp lên mức 600 ha vào năm 2025.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn mở rộng sang mảng năng lượng với việc đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời AD Green giai đoạn 1 với công suất 500 MW hồi tháng 8/2023. Các sản phẩm được định hướng xuất khẩu sang các thị trường phát triển và có nhu cầu cao về sử dụng năng lượng xanh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Dệt sợi Damsan đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 16% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng 16%, đạt 520 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Trong đó, Dự án Khu đô thị Phú Xuân chiếm 143 tỷ đồng, Dự án Khu dân cư Bồ Xuyên chiếm gần 80 tỷ đồng, và Dự án Cụm công nghiệp An Ninh chiếm 117 tỷ đồng.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm