Thị trường hàng hóa
Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) vừa cho biết công ty mẹ ghi nhận 325 tỷ đồng doanh thu và 21 tỷ đồng lãi ròng trong tháng 11/2024, lần lượt tăng 18% và 151% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về cơ cấu, doanh thu từ các sản phẩm may chiếm 76% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công. Theo sau là doanh thu từ vải và sợi, lần lượt chiếm 16% và 7%.
Về hoạt động xuất khẩu, trong tháng 11/2024, châu Á tiếp tục là thị trường lớn nhất của Dệt may Thành Công, chiếm 68% tổng doanh thu của công ty. Trong đó, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, và Trung Quốc lần lượt chiếm 36%, 13%, 8%, và 6,7% tổng doanh thu.
Trong khi đó, thị trường châu Mỹ chiếm 27,5% tổng doanh thu của công ty, bao gồm Mỹ (chiếm 18,8%) và Canada (chiếm 8,5%). Thị trường châu Âu chỉ chiếm 4% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công trongg tháng 11/2024.
Dệt may Thành Công thời gian vừa qua đã tích cực đẩy mạnh đơn hàng đến Hàn Quốc, đặc biệt là qua nguồn đơn hàng đến từ Tập đoàn E-Land với cam kết đặt 10 triệu sản phẩm may trong năm nay (cao gấp đôi so với năm 2023). Thông qua công ty con E-Land Asia Holdings, Tập đoàn E-Land đang chi phối 46,97% vốn cổ phần Dệt may Thành Công.
Xem thêm: "Dệt may Thành Công (TCM): Nhận trợ lực từ E-Land, ước lãi 1.000 tỷ từ dự án TC Tower" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, công ty mẹ Dệt may Thành Công thu về 3.481 tỷ đồng doanh thu và 263 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 10% và 49% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, công ty này đã hoàn thành được 94% kế hoạch doanh thu và 163% kế hoạch lãi cả năm nay.
Về triển vọng đơn hàng thời gian tới, ban lãnh đạo Dệt may Thành Công cho biết đã gần lấp đầy đơn hàng cho quý 1/2025 và chuẩn bị tiếp nhận đơn hàng cho quý 2/2025.
Dệt may Thành Công cũng cho biết, bên cạnh việc xuất khẩu các sản phẩm truyền thống, công ty đang đẩy mạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái chế và có giá trị cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; đồng thời, tăng cường đầu tư để hướng đến mô hình ODM (sản xuất theo thiết kế có sẵn).
Ngoài ra, công ty sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đặc biệt là với các mặt hàng vải và sợi nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Theo dự báo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2023 và tương đương với kế hoạch đề ra.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết, động lực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trong năm vừa qua đến từ các hiệp định thương mại và Việt Nam đã ký kết, cùng với sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar...
Trong năm 2025, VITAS cho biết ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47 - 48 tỷ USD. Với tín hiệu tích cực từ vĩ mô, các doanh nghiệp dệt may như Dệt may Thành Công cũng được kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm tới.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm