Thị trường hàng hóa
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đến thời điểm hiện đại đã có 214 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời...
Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng, cứ 2 tuần Việt Nam lại phải ứng phó với 1 vụ việc phòng vệ thương mại mới của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Không chỉ đối với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ cũng bị điều tra phòng vệ thương mại. Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 nhóm mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp, các đơn vị liên quan đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài.
Thông qua công tác cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Ông Lê Triệu Dũng cũng cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng vệ thương mại; triển khai có hiệu quả các đề án lớn về phòng vệ thương mại.
Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam như gỗ, dệt may, thủy sản, sắt thép…
Dưới góc độ hiệp hội, ngành hàng, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, năng lực ứng phó phòng vệ thương mại của doanh nghiệp nói chung và ngành gỗ nói riêng vẫn còn hạn chế.
Đặc biệt đối với ngành gỗ, hiện chỉ có số ít doanh nghiệp lớn đã ý thức rõ đây là vấn đề quan trọng, quyết định tới sự tồn tại của doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm tới các yếu tố, quy định về phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu, trong khi sản phẩm gỗ là mặt hàng rất nhạy cảm liên quan đến môi trường, đa dạng sinh học.
Ông Ngô Sỹ Hoài khuyến cáo, trong bối cảnh bảo hộ gia tăng, doanh nghiệp phải xác định rằng, không ai có thể làm thay mình khi tiếp cận thị trường quốc tế. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần nghe ngóng, xem xét, nắm bắt những diễn biến từ bên ngoài để chủ động đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm