Thị trường hàng hóa
Lãi ròng quý 1/2024 tăng hơn 10 lần, các mảng kinh doanh tăng tốc
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần trong quý 1/2024 đạt hơn 985 tỷ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2023 khi tất cả các mảng kinh doanh cốt lõi đều bật tăng tích cực.
Xét về cơ cấu doanh thu, mảng năng lượng tái tạo đã đem lại “trái ngọt” cho tập đoàn này sau nhiều năm được đầu tư mạnh mẽ với khoản doanh thu lên đến hơn 320 tỷ đồng, chiếm 32,5% tổng doanh thu trong quý 1/2024, vươn lên trở thành mảng đóng góp kết quả kinh doanh lớn nhất trong hệ sinh thái Bamboo Capital.
Đồng thời, mảng dịch vụ tài chính với sự đóng góp phần lớn đến từ Tổng công ty Bảo hiểm AAA cũng ghi nhận sự bứt phá, khi đem về cho Bamboo Capital khoản doanh thu gần 186 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng doanh thu quý 1/2024, cao hơn đáng kể so với mức tỷ trọng 11% của cùng kỳ năm 2023.
Các mảng Xây dựng hạ tầng và mảng Bất động sản lần lượt đóng góp vào tổng doanh thu của Bamboo Capital hơn 221 tỷ đồng (chiếm 22,5%) và gần 210 tỷ đồng (chiếm 21,3%) trong quý 1/2024.
Điều này cho thấy cơ cấu doanh thu của Bamboo Capital đã được phân bổ đồng đều giữa các mảng hoạt động cốt lõi.
Kết quả, Bamboo Capital ghi nhận lãi ròng quý 1/2024 ở mức 98,2 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ. Ngoài yếu tố tăng trưởng doanh thu, một trong những yếu tố quan trọng khác giúp tập đoàn đa ngành này đạt được mức tăng lợi nhuận đột biến là nhờ vào việc kiểm soát tốt chi phí lãi vay.
Trong đó, chi phí lãi vay của Bamboo Capital trong quý 1/2024 đã giảm 32,7% (tương đương 129,4 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước khi tập đoàn này chủ động thanh toán nợ vay và nợ đối tác trong năm 2023 để giảm thiểu rủi ro tài chính.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản Bamboo Capital đạt khoảng 42.592 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu của tập đoàn này tăng nhẹ 1,5%, đạt gần 24.919 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu được duy trì ở mức an toàn 1,4 lần, tương đương với mức ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2023. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu tiếp tục giảm xuống mức 0,5 lần so với mức hơn 1 lần tại quý 1/2023.
Đối với Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Bamboo Capital ghi nhận mức âm 298 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2024 do trong kỳ công ty con BCG Energy đã thực hiện mua lại Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa để đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 432 tỷ đồng cũng do một phần khoản đầu tư vào Tâm Sinh Nghĩa được chuyển nhượng cho đối tác để phát triển công nghệ đốt rác hiện đại. Bên cạnh đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính ghi nhận 62 tỷ đồng trong quý 1/2024 do Tổng công ty Bảo hiểm AAA thực hiện tăng vốn.
Đại diện Bamboo Capital cho biết: "Tập đoàn sẽ kiên định với định hướng kiểm soát chất lượng tài sản tốt, đảm bảo sức khỏe tài chính, cũng như tiếp tục chủ động thanh toán các khoản nợ vay và nợ đối tác nhằm tạo dư địa để triển khai huy động vốn cho các dự án trong tương lai."
Triển khai Quy hoạch Điện VIII, BCG Energy hưởng lợi trực tiếp
Năm nay, Bamboo Capital lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu hợp nhất ở mức hơn 6.102 tỷ đồng và lãi ròng đạt gần 952 tỷ đồng, lần lượt tăng 152% và 556% so với năm 2023, cùng với kế hoạch đẩy mạnh các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, trọng tâm là mảng năng lượng tái tạo.
Ngày 1/4/2024, Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII), với mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của ngành năng lượng tái tạo lên mức 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và định hướng lên đến 67,5% - 71,5% vào năm 2050.
Việc triển khai Quy hoạch Điện VIII không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành điện mà còn mở ra dư địa phát triển của ngành năng lượng tái tạo. Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, BCG Energy - công ty thành viên của Bamboo Capital sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ chính sách trên.
BCG Energy hiện sở hữu danh mục lên đến gần 1 GW được phê duyệt theo Quy hoạch điện VIII với tầm nhìn triển khai đến năm 2030. Đáng chú ý, loạt dự án điện gió quy mô lớn, bao gồm: điện gió Đông Thành 1 (80 MW), Đông Thành 2 (120 MW) tại tỉnh Trà Vinh; Khai Long 1 (100 MW) tại Cà Mau sẽ được BCG Energy triển khai trong năm nay và dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2025. Các dự án này một khi đi vào hoạt động sẽ giúp tăng thêm khoảng 53% tổng công suất phát điện cho BCG Energy.
Xem thêm: "Đâu là động lực giúp Bamboo Capital (BCG) tự tin lãi ròng năm nay tăng gấp hơn 5 lần?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đáng chú ý, giai đoạn 2024-2025, BCG Energy sẽ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại có vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng tại TP.Hồ Chí Minh. Nhà máy này có công suất đốt 2.000 tấn rác/ngày đêm, tương đương công suất phát điện 40 MW.
Ở giai đoạn sau, nhà máy đốt rác phát điện của BCG Energy có thể nâng công suất xử lý lên đến 5.200 tấn rác/ngày và tạo ra công suất phát điện lên tới 130 MW, trở thành một trong các nhà máy lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.
Song song đó, BCG Energy cũng xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện tại Long An, Kiên Giang và các tỉnh thành khác. Với việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện VIII và xây dựng thêm các nhà máy điện rác quy mô lớn, BCG Energy được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Bamboo Capital.
Vào ngày 27/4 tới đây, Bamboo Capital sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 theo hình thức trực tuyến.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm