Thị trường hàng hóa
Giá cao su xuất khẩu tháng 6 tăng cao
Vào đầu tháng 6, giá cao su thế giới đã vượt mức cao nhất 3 năm trở lại, đạt 183 US cents/kg. Mặc dù thị trường đã điều chỉnh nhẹ, nhưng so với hồi đầu năm nay, giá cao su thế giới vẫn đã tăng 10,4%, đạt 172 US cents/kg.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, động lực tăng giá cao su tự nhiên iện nay chủ yếu đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên, đặc biệt là từ Thái Lan và Indonesia. Sản lượng mủ cao su của hai nước này vốn chiếm 51% tổng sản lượng mủ toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc đang hồi phục mạnh trở lại khi nước này đẩy mạnh hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp ô tô. Đồng thời, việc giá dầu thô neo cao cũng hỗ trợ giá cao su tự nhiên tăng lên.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), thị trường cao su tự nhiên toàn cầu sẽ thiếu 1,3 triệu tấn vào năm 2024, và tình trạng thâm hụt nguồn cung có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt có thể khoảng 600 - 800 nghìn tấn/năm.
Điều này khiến giá cao su tự nhiên trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục neo ở mức cao, có thể cán mốc 190 US cents/kg (tương đương tăng thêm 10%) trong vòng 12 tháng tới.
Tại Việt Nam, giá cao su xuất khẩu tính đến tháng 5/2024 đã xác lập mạch tăng giá kéo dài 8 tháng liên tiếp với mức tăng từ 2 - 4%/tháng.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) cho biết, giá cao su trung bình trong tháng 6/2024 của tập đoàn ước đạt 38,4 triệu đồng/tấn, tăng 6 triệu đồng/tấn tương ứng tăng gần 17% so với mức trung bình cả năm 2023.
Với các diễn biến hiện tại, hãng Chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV) nhận định giá bán cao su của Cao su Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng, neo cao trong nửa cuối năm nay. Do đặc tính cây trồng nên việc khai thác cao su diễn ra mạnh mẽ từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm, do đó quý 2 trở đi mới là thời điểm sản lượng của Cao su Việt Nam đạt đỉnh.
Cao su Việt Nam hiện là doanh nghiệp cao su lớn nhất cả nước với tổng diện tích trồng 370.000 ha. Trong đó, mảng cao su đóng góp khoảng 60% tổng lợi nhuận của tập đoàn này trong năm ngoái.
Đang xin chủ trương ưu tiên làm chủ đầu tư các khu công nghiệp
Cũng theo Chứng khoán KB Securities Vietnam, động lực tăng trưởng của Cao su Việt Nam trong thời gian tới còn đến từ mảng bất động sản khu công nghiệp. Từ cuối năm 2023 đến nay, 3 địa phương mà Cao su Việt Nam sở hữu quỹ đất cao su lớn là Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh với tổng diện tích chuyển đổi từ đất cao su sang đất khu công nghiệp lên đến gần 25.000 ha.
Ngoài ra, theo quyết định số 227/QĐ-TTg phê duyệt vào tháng 3/2024, Chính phủ đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh Bình Phước đến 2025 lên 4.908 ha; tăng thêm 650 ha so với quy hoạch tại quyết định số 326/QĐ-TTg năm 2022; qua đó, tạo thêm dư địa 828 ha để phân bổ cho các dự án mới.
Sự điều chỉnh này kì vọng sẽ tác động tích cực tiến độ của các dự án khu công nghiệp Minh Hưng III, Nam Đồng Phú mở rộng và Bắc Đồng Phú mở rộng do Cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên trực thuộc tập đoàn làm chủ đầu tư.
Xem thêm: "Khu công nghiệp Cao su (VRG) muốn làm khu công nghiệp gần 2.400 tỷ đồng tại Long An" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Bên cạnh đó, quỹ đất cao su của Cao su Việt Nam tại các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai cũng đang chờ được thông qua quy hoạch kì cuối.
Đáng chú ý, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết đang hoàn thiện hồ sơ xin các cấp có thẩm quyền ưu tiên để làm chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su do tập đoàn quản lý.
Ngoài gần 3.000 ha đất đã và đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư, tập đoàn có kế hoạch tiếp tục làm việc với các cấp thẩm quyền để triển khai phát triển thêm 16.592 ha. Trong đó, Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư 10.977 ha, các đơn vị khác đầu tư 5.615 ha.
Quỹ đất cao su lớn khi được tiến hành chuyển đổi thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp, và cơ sở hạ tầng sẽ đảm bảo dòng tiền từ bồi thường, cũng như doanh thu từ cho thuê khu công nghiệp cho Cao su Việt Nam trong dài hạn.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm